Chỉ thị 10/CT-TTg đưa giáo dục PCTN vào các cơ sở GD, ĐT:

Nhiều cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo tham gia giáo dục phòng, chống tham nhũng

Thứ ba, 28/03/2023 09:34
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian qua, những cơ quan đơn vị trực tiếp tham gia vào giáo dục phòng, chống tham nhũng (PCTN) là: báo chí, truyền thông, Mặt trận Tổ quốc, các cơ sở giáo dục và đào tạo. Chúng ta cũng đã đạt những kết quả bước đầu trong giáo dục PCTN.

Phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về PCTN đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân

Giai đoạn từ năm 2007 - 2013, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg đưa giáo dục PCTN và các cơ sở giáo dục, đào tạo thì đã có hơn 29 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về PCTN, 478 nghìn lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN được thực hiện, 2,3 triệu tài liệu, cuốn sách về PCTN được phát hành.

Ở bậc trung học phổ thông, nội dung PCTN được đưa vào giảng dạy lồng ghép, tích hợp vào môn học giáo dục công dân với thời lượng 6 tiết, được phân bổ trong 3 năm học. Nội dung PCTN bao gồm nhiều kiến thức xã hội và kiến thức pháp luật để trang bị cho học sinh khái niệm, biểu hiện, nguyên nhân, tác hại của tham nhũng đối với xã hội.

Các cơ quan báo chí tích cực tham gia vào công tác PCTN, trong đó có tuyên truyền về pháp luật PCTN cũng như tạo dư luận xã hội phê phán hành vi tham nhũng. Báo chí không chỉ đóng góp lớn trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng mà còn là lực lượng chủ yếu để tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong PCTN; tuyên truyền những gương điển hình, cách làm hay trong PCTN. Mỗi năm có khoảng gần 5 nghìn tin, bài viết về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được đăng tải.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, công tác giáo dục PCTN ở Việt Nam thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế. Tuyên truyền phổ biến giáo dục về PCTN mới chỉ chú ý thực hiện nội bộ các cơ quan, đơn vị, tổ chức với đối tượng là cán bộ, đảng viên, chưa tiến hành sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú; thời lượng tuyên truyền còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế.

Việc giáo dục PCTN trong các trường phổ thông với thời lượng ngắn, nội dung nhiều nên giáo viên đa phần giảng lý thuyết, chưa tạo được sự hứng thú và hình thành được ý thức chống tham nhũng trong học sinh. Giáo viên giảng dạy có khi chưa được đào tạo, tập huấn về vấn đề này mà chủ yếu là tự tìm hiểu. Nội dung thuộc môn giáo dục công dân là môn học chưa được chú trọng nhiều ở một số trường.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên còn nặng về hình thức, thiếu tính thiết thực, phương thức chưa phù hợp. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN còn mờ nhạt chưa tương xứng với vị thế của Mặt trận Tổ quốc và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nâng cao chất lượng giáo dục PCTN cần bắt đầu từ nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giáo dục PCTN

Hoạt động tuyên truyền pháp luật lồng ghép trong chương trình giáo dục pháp luật chung hay Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên nội dung còn sơ sài và thời lượng chưa thích đáng. Các phương tiện truyền thông thời gian qua đưa tin bàn về các vụ tham nhũng là chủ yếu còn nêu gương điển hình trong PCTN; tuyên truyền chính sách, chủ trương về PCTN còn ít, các chuyên trang, chuyên mục về PCTN còn ít và chưa được duy trì thường xuyên nên vai trò trong giáo dục PCTN còn mờ nhạt.

Hành vi tham nhũng trong cán bộ, công chức vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí biểu hiện ngày càng nghiêm trọng; tinh vi hơn; ý thức chống tham nhũng của người dân Việt Nam còn thấp. Xu hướng chấp nhận tham nhũng của người dân Việt Nam rất cao đang là một thách thức trong cuộc chiến chống tham nhũng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chủ động hối lộ. Cán bộ, công chức có tâm lý e ngại khi đấu tranh chống tham nhũng, dù nhận thức về tham nhũng được cải thiện nhưng mức độ sẵn sàng đấu tranh chống tham nhũng trong cán bộ, công chức vẫn chưa rõ ràng.

Từ thực tiễn đó, một số giải pháp tăng cường giáo dục PCTN có thể áp dụng ở Việt Nam hiện nay có thể là:

Xây dựng chương trình giáo dục PCTN cho từng đối tượng cụ thể. Giáo dục PCTN phải toàn diện, bao gồm: nhân dân, học sinh, sinh viên và những người có chức vụ, quyền hạn. Việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục - đào tạo phải được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng, các trường phổ thông, đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trường hành chính, trường quản lý nghiệp vụ thuộc Đảng, cơ quan nhà nước, trường thuộc lực lượng vũ trang, thuộc tổ chức chính trị - xã hội...

Nâng cao chất lượng giáo dục PCTN cần chú ý nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giáo dục PCTN trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí. Cần có những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể đối với đối tượng trực tiếp tham gia giáo dục PCTN; thường xuyên định kỳ tổ chức những chương trình bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức mới về nội dung, kỹ năng tuyên truyền giáo dục PCTN. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần bố trí kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ này.

Ngoài ra, để những nội dung PCTN thấm nhuần trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó dần hình thành được ý thức, thái độ chống tham nhũng trong mỗi cá nhân thì phải có phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp, hiệu quả. Vì vậy, các tổ chức có trách nhiệm cần chú ý đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục PCTN. Cần tránh tuyên truyền, giáo dục PCTN với lý thuyết suông một chiều, nhất là với đối tượng học sinh.

Các tổ chức, cơ quan cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, như: thông qua việc tổ chức các cuộc thi viết tìm hiểu về Luật PCTN hoặc các tiểu phẩm, chương trình văn nghệ; viết thu hoạch các bài tập tình huống; tham quan trực quan về hậu quả của những vụ án tham nhũng nghiêm trọng. Đặc biệt, có thể sử dụng các hình thức tuyên truyền, giáo dục về PCTN thông qua internet, vừa bảo đảm thuận tiện, dễ thu hút được nhiều người quan tâm./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra