Nhóm vấn đề về thanh tra, kiểm tra, PCTN được cử tri đặc biệt quan tâm

Thứ tư, 17/05/2023 11:08
(ThanhtraVietNam) - Các kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều được tiếp nhận, khẩn trương giải quyết, phản hồi đúng quy định của pháp luật. Trong đó, nhóm vấn đề về thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí là nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm.

Tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận được 335 kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến, đồng thời chuyển lại Ban Dân nguyện một số kiến nghị không thuộc thẩm quyền đã được giải quyết từ các Kỳ họp trước. Tổng hợp lại còn 273 kiến nghị, đã trình Thủ tướng Chính phủ giao 22 Bộ, cơ quan xem xét, giải quyết và trả lời cử tri.

Đối với nhóm vấn đề về thanh tra, kiểm tra, PCTN, lãng phí, cử tri phản ánh: Hiện nay, theo Quy định số 69-QĐ/BCT ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị quy định rất cụ thể về xử lý kỷ luật đảng viên khi thực hiện kê khai không đúng, không đầy đủ, không trung thực trong kê khai tài sản, giải trình biến động tài sản, nguồn gốc (Điều 39); tuy nhiên chưa có quy định pháp luật xử lý về mặt nhà nước đối với các nội dung trong quy định.

Chính vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành quy định để việc xử lý về mặt nhà nước kịp thời, đồng bộ với xử lý kỷ luật của đảng khi cán bộ, công chức là đảng viên vi phạm.

Đồng thời, kiến nghị giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra cuối năm, chấn chỉnh, xử lý hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết công việc vào thời điểm cuối năm. Cử tri cho rằng, vấn đề tham nhũng trong đại án Kit test Việt Á chưa được giải quyết thỏa đáng. Mặc dù, những người vi phạm đã và đang được xử lý nhưng quyền lợi của người dân thì chưa được đề cập.

Tập trung khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ

Tại báo cáo số 156/BC-CP ngày 27/4/2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chính phủ cho biết, thời gian qua, công tác PCTN, lãng phí đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thực hiện, như: Tập trung chỉ đạo, hoàn thiện đồng bộ hệ thống các văn bản về công tác PCTN, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; quy định về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, cơ chế kiểm soát quyền lực trong PCTN…

Chỉ đạo các Bộ, cơ quan rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, dễ bị lợi dụng, dễ nảy sinh tham nhũng, đặc biệt là cơ chế chính sách và công tác quản lý trên những lĩnh vực mà thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sai phạm, tham nhũng lớn, như: Đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý vốn và tài sản nhà nước trong doanh nghiệp… để từ đó khẩn trương có giải pháp khắc phục bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định về xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Tập trung khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ, tăng cường công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước. Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.

leftcenterrightdel
  Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực

Chính phủ cũng cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn, khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp kéo dài theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.

Chính phủ khẳng định, việc ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách pháp luật có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Đây là một trong những khâu đột phá chiến lược trong mực tiêu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo việc xây dựng chính sách minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, đúng thẩm quyền, bảo đảm thể chế hóa đúng chủ trương, đường lối của Đảng theo đúng trình tự, thủ tực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là tiến hành việc tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách, đánh giá thủ tục hành chính đầy đủ. Mặt khác, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan tham gia, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật, tăng cường các kênh, các hoạt động giám sát đối với hoạt động xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, không để tồn đọng kế hoạch và triển khai dồn vào thời điểm cuối năm, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các địa phương, doanh nghiệp. Chấn chỉnh, xử lý hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết công việc.

Tiếp nhận 1.452 phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Từ ngày 01/11/2022 đến ngày 31/3/2023, Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tiếp nhận 1.452 phản ánh, kiến nghị của người dân, trong đó có 1.013 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý. Văn phòng Chính phủ đã phân loại, chuyển 833 phản ánh, kiến nghị tới các Bộ, cơ quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Kết quả, các Bộ, ngành, địa phương đã xử lý, trả lời 592 phản ánh, kiến nghị (đạt 71%) và đã được đăng tải công khai kết quả xử lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Còn lại đang được các Bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Đồng thời, đã tiếp nhận 14 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và chuyển đến các Bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ. Các Bộ đã có văn bản trả lời 8/14 kiến nghị; 6 kiến nghị còn lại xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Trên Hệ thống tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng đã nhận được nhiều thư cảm ơn của doanh nghiệp và phản hồi tích cực từ các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các chuyên gia về sự nỗ lực, tinh thần quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra