Chuyển thông tin đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra xác minh, xử lý 03 vụ việc liên quan đến tham nhũng
Trong Quý III năm 2023, ngành Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã thực hiện 39 cuộc thanh tra (28 cuộc từ kỳ trước chuyển qua); trong đó, có 03 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đã ban hành kết luận 14 cuộc đối với 16 đơn vị được thanh tra.
Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện khuyết điểm, vi phạm, sai phạm về kinh tế các dạng với giá trị bằng tiền là 2.561,9 triệu đồng (các khuyết điểm, sai phạm tập trung trong lĩnh vực: quản lý, sử dụng ngân sách, sử dụng dịch vụ môi trường rừng…); sai phạm về đất với tổng diện tích 361.337 m2. Căn cứ vào nội dung, tính chất các khuyết điểm, sai phạm, cơ quan thanh tra các cấp đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 553,9 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác 2.008,0 triệu đồng; kiến nghị thu hồi đất với diện tích 361.337 m2; kiến nghị xử lý hành chính 01 tổ chức, 16 cá nhân; chuyển thông tin đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra xác minh, xử lý 03 vụ việc.
03 vụ việc Thanh tra tỉnh chuyển thông tin đến Cơ quan CSĐT cụ thể là: (1) Việc các cơ quan thuộc UBND huyện Đắk R’lấp cấp giấy CNQSDĐ trong thời kỳ từ năm 2004 đến tháng 12/2006 đối với 15 thửa đất nằm trên diện tích đất Nhà nước giao cho Lâm trường Quảng Trực quản lý theo Quyết định số 647/QĐ-UBND ngày 08/6/2005 của UBND tỉnh; (2) Việc các cơ quan thuộc UBND huyện Tuy Đức cấp giấy CNQSDĐ trong thời kỳ tháng 7/2008 đối với 03 thửa đất diện tích 49.919 m2 đất trồng cây lâu năm nằm trên diện tích đất Nhà nước giao cho Lâm trường Quảng Trực quản lý theo Quyết định số 647/QĐ-UBND ngày 08/6/2005 của UBND tỉnh; (3) Các thửa đất đã cấp giấy CNQSDĐ từ năm 2006 - 2008 cho người thân ông Trần Minh Đức (ông Trần Minh Đường, anh ruột ông Trần Minh Đức; bà Trần Minh Tú, cháu ông Đức; bà Trần Thị Mộng Thu, chị dâu ông Đức) có biểu hiện tư lợi.
|
|
Nhiều diện tích đất của Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (trước đây là Lâm trường Quảng Trực) được cấp GCNQSDĐ trái quy định (Ảnh: Phan Tuấn, Báo Đắk Nông). |
Thực hiện 45 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 130 tổ chức, 87 cá nhân
Trong Quý III năm 2023, ngành Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã thực hiện 45 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 130 tổ chức, 87 cá nhân trên các lĩnh vực: Tài chính, ngân sách; tài chính doanh nghiệp; quản lý chất lượng công trình; quản lý, sử dụng đất đai; cấp giấy CNQSDĐ; nội vụ; giáo dục và đào tạo; tư pháp, công chứng, chứng thực; hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kinh doanh y dược tư nhân; chính sách giảm nghèo; vận chuyển hành khách…
Qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, các cơ quan chức năng đã ban hành 21 kết luận thanh tra, báo cáo kết quả kiểm tra; phát hiện 25 tổ chức, 43 cá nhân có vi phạm, sai phạm trong hoạt động vận chuyển hành khách, kinh doanh y dược tư nhân, quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý, sử dụng đất đai… với tổng số tiền vi phạm, sai phạm là 258,9 triệu đồng. Qua đó, kiến nghị thu hồi số tiền 40,3 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác về tài chính 218,5 triệu đồng; ban hành 88 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 2.119,5 triệu đồng; xử lý bằng hình thức khác 27 trường hợp (tước phù hiệu xe, giấy phép lái xe).
Khởi tố mới 01 vụ/01 bị can trong vụ án “nhận hối lộ”
Đáng chú ý, qua điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của địa phương, trong Quý III/2023, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố mới 01 vụ/01 bị can trong vụ án “nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm 4802D.
Cũng trong thời gian này, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố chuyển tòa 03 vụ/09 bị can liên quan đến tội phạm tham nhũng. Cụ thể: 01 vụ/07 bị can trong vụ án “Đưa nhận hối lộ” xảy ra tại UBND thành phố Gia Nghĩa; 01 vụ/01 bị can trong vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil; 01 vụ/01 bị can trong vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND thị trấn Kiến Đức.
Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Đắk Nông vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định. Bởi vì có lúc, cơ nơi người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, đánh giá thường xuyên để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến việc minh bạch tài sản, thu nhập hàng năm, …
Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên, trong thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực; trong đó xác định các giải pháp phòng ngừa là chính; xác định những nội dung, lĩnh vực trọng điểm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng để xây dựng các giải pháp phòng, chống thích hợp, hiệu quả; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt; đồng thời, xử lý trường hợp vi phạm, chấn chỉnh sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước để phòng ngừa tham nhũng. Thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng để toàn thể CBCCVC, Nhân dân và người lao động trên địa bàn nhận thức đúng và chấp hành thực hiện tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đặc biệt, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống tham nhũng, tiêu cực; phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý và Kế hoạch số 478/KH-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 21/7/2022 của Tỉnh ủy.
Ngoài ra, cũng cần tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát CBCCVC; chỉ đạo thực hiện cơ chế giám sát CBCCVC bằng nhiều hình thức để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí có nhiều dư luận; kiểm tra, giám sát CBCCVC có đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến” trong nội bộ; đẩy mạnh, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính để phòng ngừa, phát hiện, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của CBCCVC trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp./.
K. Dung