Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư

Thứ năm, 20/04/2023 16:22
Kể từ khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển mạnh mẽ và dần trở thành một động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng, khu vực này cũng tồn tại nhiều vấn đề, trong đó có tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua, những vụ án lớn, trọng điểm liên quan một số tập đoàn tư nhân như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC... đã được Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo cho thấy thông điệp rất mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc làm trong sạch hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân.
leftcenterrightdel
Đã có tình trạng sử dụng thông tin nội bộ, giao dịch nội gián để thao túng giá chứng khoán. Ảnh: BẮC SƠN 

Các biểu hiện của tham nhũng trong khu vực tư

Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI), số doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức nói chung là 41,4% (năm 2020 là 44,9% và năm 2006 là 70%). Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động thanh tra xây dựng (67,22%) và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (61,36%). Theo các luật sư, tham nhũng trong lĩnh vực tư được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, các chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là các cá nhân và/hoặc các doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực tư, bao gồm:

Thứ nhất là tham nhũng trong hoạt động kinh doanh doanh nghiệp như: Hối lộ, nhận hối lộ, biển thủ, tham ô tài sản, kinh doanh nội gián, gian lận kế toán, trốn thuế, rửa tiền, giả mạo giấy tờ... Trong đó, tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, hành vi tham nhũng của doanh nghiệp câu kết với doanh nghiệp để gây thiệt hại cho bên thứ ba (có thể là khu vực công hoặc khu vực tư), điển hình trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, thao túng giá chứng khoán, lợi dụng thông tin nội bộ hoặc giao dịch nội gián... để lừa đảo các nhà đầu tư. Đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện tình trạng doanh nghiệp nước ngoài núp bóng doanh nghiệp Việt Nam để lập các ứng dụng cho vay trực tuyến, ứng dụng lừa đảo tiền của người dân, gây hệ quả xấu cho xã hội.

Thứ ba, là hành vi tham nhũng gây thiệt hại cho bản thân doanh nghiệp. Hành vi này khá phổ biến trong quá trình mua sắm vật tư, hàng hóa, thuê và cho thuê cơ sở vật chất, tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự, lạm dụng tiền trợ cấp; hợp tác, góp vốn, cho vay đối với đối tác....

Hành vi tham nhũng trong khu vực tư làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, hình thành môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, không minh bạch, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế.

Luật hóa việc chống tham nhũng trong khu vực tư

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Công ước của LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) vào tháng 6/2009. Theo quy định của UNCAC, các quốc gia thành viên cần áp dụng các biện pháp cần thiết để hình sự hóa hành vi hối lộ trong khu vực tư.

UNCAC cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên xem xét hình sự hóa hành vi cố ý của người điều hành hay làm việc cho tổ chức thuộc khu vực tư biển thủ tài sản, các quỹ hoặc chứng khoán... mà người này được giao quản lý. Trong các khuyến nghị tại báo cáo đánh giá quốc gia về Việt Nam của UNCAC, các chuyên gia cho rằng: Việt Nam cần phải lưu ý ban hành các quy định pháp luật liên quan đến tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ trong khu vực tư, vì sự thiếu hụt các hành lang pháp lý này là một thách thức trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam. Chính vì vậy, việc đưa chống tham nhũng trong khu vực tư vào luật là một tất yếu khách quan của quá trình phát triển xã hội, bởi những lý do: (i) Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, các hành vi tham nhũng có thể gây thiệt hại cho hàng nghìn cổ đông, nhà đầu tư, doanh nghiệp..., ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội; (ii) khu vực công và khu vực tư có mối quan hệ mật thiết nên việc phòng, chống tham nhũng trong hai khu vực này phải song hành với nhau; (iii) để phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có UNCAC.

Theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. Điều 80 Luật PCTN cũng quy định các đối tượng được điều chỉnh bởi luật này gồm: công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện. Để cụ thể hóa Luật PCTN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN. Trong đó, có những quy định về thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài nhà nước và quy định về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung) đã mở rộng nội hàm khái niệm tội phạm về chức vụ để có thể bao hàm cả các tội phạm về chức vụ trong khu vực tư tại Điều 352: “1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. 2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Như vậy, theo quy định tại Bộ luật Hình sự, hành vi tham nhũng trong khu vực tư có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực tư

Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực, trong đó, một yêu cầu quan trọng được đề ra đó là “Từng bước mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực ngoài nhà nước”. Luật PCTN và Bộ luật Hình sự (có sửa đổi, bổ sung) đã quy định về PCTN trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tuy nhiên, các đối tượng thuộc khu vực tư bị điều chỉnh bởi Luật PCTN còn khá hẹp, bao gồm các công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng và một số tổ chức chính trị xã hội. Do đó, quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, để việc PCTN, tiêu cực trong khu vực tư thật sự mạnh mẽ, phát huy tác dụng và lan tỏa rộng rãi, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, việc PCTN, tiêu cực trong khu vực công và khu vực tư phải được thực hiện đồng bộ, song song với quyết tâm rất cao. TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: “Khi chúng ta chưa khắc phục, ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng ở khu vực công thì vẫn còn mảnh đất dung dưỡng cho tham nhũng ở khu vực tư. Sự móc nối giữa công và tư để tham nhũng không phải bây giờ mới có mà nó đã xuất hiện từ lâu, chỉ có điều trước kia chúng ta chưa có đủ năng lực, còn bây giờ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư, của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, tiêu cực và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng thì chúng ta mới tìm ra”. Việc chống tham nhũng, tiêu cực tại khu vực tư cần đồng bộ với việc tăng cường các thiết chế của khu vực công, cũng như hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của cả khu vực công và khu vực tư, trong đó cần lưu ý vấn đề mở rộng các đối tượng của khu vực tư và kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội. Việc mở rộng đối tượng doanh nghiệp điều chỉnh theo Luật PCTN là cần thiết, bởi lẽ, không chỉ có công ty đại chúng, tổ chức tín dụng là nhóm chủ thể huy động vốn từ cổ đông hay người gửi tiền. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp quy mô hoạt động rất lớn, huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng lại không thuộc nhóm đối tượng phải điều chỉnh theo Luật PCTN, dẫn tới tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với việc kiểm tra, giám sát và quản lý các doanh nghiệp này.

Hai là, về phía doanh nghiệp, cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, minh bạch, không tham nhũng; xây dựng, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử; thực hiện cơ chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ... Việc bảo đảm liêm chính và tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi doanh nghiệp, tổ chức để hướng tới sự phát triển bền vững.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong PCTN. Thực hiện các biện pháp PCTN, tiêu cực; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong các doanh nghiệp thành viên; tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; giám sát việc chấp hành pháp luật về PCTN của thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật.

Theo Liêm Chính/nhandan.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra