Quảng Nam: Nhiều kết quả trong phát hiện và xử lý tham nhũng

Thứ năm, 29/02/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - Tại Quảng Nam trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt, trong đó phải kể đến kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực

Cụ thể, trong năm 2023, qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 01 vụ tham nhũng tại huyện Núi Thành. Theo đó, qua thanh tra toàn diện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh đối với Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Tân An, xã Tam Xuân I phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm nên đã làm văn bản chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra; hiện nay, Cơ quan điều tra Công an huyện Núi Thành đã tiếp nhận vụ việc và đang tiến hành điều tra.

leftcenterrightdel
Hệ thống điện mặt trời “mọc” lên trên khu đất mà HTX Nông nghiệp Mỹ Tân An được tỉnh Quảng Nam giao để thực hiện để  đầu tư, xây dựng trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp. Ảnh: H.B. Nguồn: https://baodautu.vn/ 

Về kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của bộ, ngành, địa phương, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố, thụ lý điều tra 24 vụ/ 48 bị can có hành vi tham nhũng; trong đó, kỳ trước chuyển sang 07 vụ/07 bị can (01 vụ - 02 bị can về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần công cộng Hội An (PC03); 05 vụ - 04 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Núi Thành chuyển PC03: 01 vụ - 02 bị can , PC03: 03 vụ - 01 bị can , PC03 chuyển Quế Sơn: 01 vụ - 01 bị can); 01 vụ - 01 bị can về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại UBND xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh (CA Phú Ninh); khởi tố mới 17 vụ/41 bị can. Hiện nay, đã kết thúc điều tra 11 vụ/19 bị can, tạm đình chỉ 01 vụ, đang tiếp tục điều tra 12 vụ/29 bị can.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 12 vụ/17 bị can; đã giải quyết 10 vụ/12 bị can, đang giải quyết 02 vụ/05 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý sơ thẩm 09 vụ/11 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 08 vụ/10 bị cáo, còn lại 01 vụ, 01 bị cáo.

Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan chức năng đã xác định tài sản bị thiệt hại là gần 7,4 tỷ đồng do tham nhũng, đã thu hồi hơn 3,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ đần 53%.

Đáng chú ý, năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 01 người là cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật (cảnh cáo) do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Đó là ông Bùi Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bị xử lý với hình thức cảnh cáo vì thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng thuộc lĩnh vực mình phụ trách (vụ việc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra tại xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành do UBKT Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra).

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng tại Quảng Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, hầu như việc phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra trong nội bộ là không có. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; chưa phân công rõ nhiệm vụ giữa công tác thanh tra và bộ phận phụ trách về công tác tổ chức - cán bộ nên triển khai thực hiện việc kê khai còn chậm, phải tiến hành đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần. Nguyên nhân là do công tác PCTN, tiêu cực ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập chưa được chú trọng; người thuộc đối tượng kê khai tài sản, thu nhập chưa quan tâm nghiên cứu kỹ các quy định về kê khai tài sản, thu nhập,…

Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án

Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản triển khai thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ PCTN, tiêu cực.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết xử lý những cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực ở các cơ quan của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN, tiêu cực.

Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo đúng tinh thần Công văn số 529-CV/TU, ngày 22/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: “… trong quá trình kiểm tra, thanh tra, truy tố, xét xử, thi hành án nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, truy tố, xét xử, thi hành án…”.

Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan để tập trung giải quyết một số vụ việc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi triệt để các khoản tiền, tài sản tham nhũng được phát hiện. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; mua, bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án đầu tư lớn, mua sắm lớn từ tài sản nhà nước; cổ phần hoá, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp…

Tiếp tục rà soát, khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, quy hoạch xây dựng… Tập trung theo dõi, đánh giá công tác PCTN, tiêu cực tại các đơn vị, địa phương; thực hiên tốt công tác đánh giá PCTN cấp tỉnh năm 2023 theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra