Quảng Trị từng bước kiềm chế tham nhũng thông qua hoạt động thanh, kiểm tra

Thứ tư, 27/09/2023 17:00
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân, qua đó từng bước kiềm chế tham nhũng, giảm thiểu tình trạng gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện công việc.

Phát hiện và xử lý vụ việc tham nhũng thông qua hoạt động thanh, kiểm toán

Trong 9  tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện 47 cuộc thanh, kiểm tra tại 81 cơ quan, đơn vị; qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh những bất cập, thiếu sót trong công tác phòng, chống tham nhũng, giúp các các cơ quan, tổ chức, đơn vị khắc phục những thiếu sót, tồn tại.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Hiện nay, cơ quan chức năng đang thụ lý, điều tra 01 vụ/01 bị can; khởi tố mới 01 bị can; 3 vụ kỳ trước chuyển sang thu hồi tài sản thiệt hại, tham nhũng trong 04 vụ án là 3.244.000 đồng/23,125.000.000 đồng.

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kết luận Thanh tra số 272/KL-SYT ngày 22/02/2023 về việc thanh tra quy trình giám định tỷ lệ thương tích của Trung tâm pháp y đối với ông Nguyễn Minh Dũng, trú tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngày 13/3/2023, Sở Y tế nhạn được Thông báo số 457/TB-VKSNDTC-Cl(P4), ngày 10/3/2023 của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao về việc bắt bị can để tạm giam; Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã có Văn bản tạm giữ Bác sỹ Nguyễn Đình Cương, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị; ông Nguyễn Đình Cương bị Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Giả mạo công tác" theo Điều 359, Bộ luật Hình sự xảy ra tại Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị.

Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện Kết luận Thanh tra số 272/KL-SYT nói trên của Giám đốc Sở Y tế; ngày 01/3/2023, Sở Y tế ban hành Văn bản số 22/KH-SYT về việc xử lý, chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra tại Trung tâm Pháp y để xem xét trách nhiệm của Giám định viên trong việc thực hiện giám định lại lần thứ nhất: Trách nhiệm của Giám định viên về tuân thủ quy trình giám định; việc thực hiện quyền của viên chức khi thực hiện quy trình giám định pháp y; việc đề xuất ban hành Kết luận giám định thiếu khách quan trong hoạt động giám định pháp y; xem xét trách nhiệm Giám đốc Trung tâm pháp y trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý theo quy định chức năng, nhiệm vụ được giao, việc ra Quyết định thành lập Tổ giám định trong việc giám định lại lần thứ nhất, việc ban hành Bản kết luận giám định pháp y về thương tích đối với ông Nguyễn Minh Dũng. Ngày 01/3/2023, Sở Y tế ban hành Văn bản số 22/KH-SYT về việc xử lý, chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra tại Trung tâm Pháp y. Mới đây, ngày 28/8/2023, Sở Y tế ban hành Quyết định số 575/QĐ-SYT về việc tạm đình chỉ chức vụ đối với viên chức quản lý, ông Dương Tấn Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị.

Tồn tại thiếu sót, sai phạm, khuyết điểm trong thực thi công vụ công tác quản lý nhà nước

Có thể nói, thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực và thông qua công tác thanh tra trách nhiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước tại Quảng Trị ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận vẫn tồn tại thiếu sót, sai phạm, khuyết điểm trong thực thi công vụ công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực. Việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ nội dung, hiệu quả của một số giải pháp còn thấp. Nội dung kiểm tra, thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa nhiều; công tác tự giám sát, kiểm tra để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, việc tự phát hiện được tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Các vụ án tham nhũng phát hiện qua công tác thanh tra, tự phát hiện còn hạn chế. Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhất là bồi dưỡng bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa được quan tâm đúng mức; cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị chưa có đủ thực quyền để điều tra, xác minh, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai kê khai tài sản, thu nhập đối với việc kê khai bổ sung một số nội dung Nghị định và Luật quy định chưa rõ, còn có các cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho các đơn vị khi thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại một số đơn vị, địa phương chưa sâu rộng, chưa mang lại hiệu quả tích cực; chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của xã hội và Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,…

Nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là do hệ thống chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, có những bất cập nhất định dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng khi xử lý, giải quyết các vụ việc; nhất là lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, còn bất cập; các quy định cụ thể về phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, thiếu các quy định và biện pháp cần thiết cho công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng; cơ chế, chính sách để kiểm soát tài sản thu nhập, nguồn gốc tài sản thu nhập và giải pháp răn đe để người có điều kiện tham nhũng không dám tham nhũng chưa đủ mạnh và hiệu quả.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, có thể chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan liên quan đến công tác quản lý nhà nước về một số lĩnh vực, nhất là đất đai còn nhiều sai sót, chậm được xử lý; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ dẫn đến phát sinh tình trạng tiêu cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng. Vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị còn hạn chế; quyết tâm chính trị về phòng, chống tham nhũng chưa thực sự trở thành hành động tự giác của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tính gương mẫu của người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được phát huy ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của công tác phòng, chống tham nhũng. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng chưa đủ mạnh, mô hình tổ chức chưa thống nhất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới dừng lại ở quy định chung, thiếu các quy định cụ thể, quyền hạn chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao,…

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng

Trong thời gian tới, Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vụ án tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với các trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó tập trung thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan; xây dựng, thực hiện định mức tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; rà soát xung đột lợi ích; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức; kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Thanh tra tỉnh tiếp tục triển khai xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 theo Quyết định số 50/QĐ-TTr, ngày 13/01/2023 của Thanh tra tỉnh ban hành về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện xác minh tài sản, thu nhập năm 2023. Thanh tra các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2023 đã được phê duyệt, trong đó chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN theo quy định; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng theo Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 quy định về phối họp giữa cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và cơ quan Thanh tra trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra