Theo các doanh nghiệp, ngày 16/01/2024, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Bản Cáo trạng số 28/CT-VKS-P3 (“Cáo trạng số 28”) đề nghị truy tố các bị can liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội.
|
|
Khu đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương |
Tại trang 26, Bản cáo trạng số 28/CT-VKS-P3 ngày 16/01/2024 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội có nêu: “Trong quá trình định giá đất xác định giá khởi điểm làm cơ sở để tổ chức đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội, Nguyễn Thị Diệu Linh, Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Đức Phương là thẩm định viên có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá theo đúng quy định của pháp luật.
Nhưng trong quá trình định giá đất khu đất đấu giá phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội đã không định giá đất khách quan mà theo đề nghị của Trần Công Tuyên và Vương Thị Thu Thủy (cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh) đã thống nhất cố ý hạ giá trị khu đất để ban hành chứng thư định giá đất không đúng với giá trị thực tế (284.806.544.000đ tương đương 17.600.000đ/1m2) là đã tạo điều kiện cho các Công ty tham gia đấu giá của Nguyễn Thị Loan thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp gây thiệt hại cho Ngân sách nhà nước số tiền 135.534.100.677 đồng”
Đối với vụ việc thứ hai, tại trang 26, Bản cáo trạng số 28/CT-VKS-P3 ngày 16/01/2024 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội có nêu: “Các bị can Bùi Thanh Huyền và Nguyễn Thị Cẩm Lê đã thiếu trách nhiệm trong quá trình kiểm tra, thẩm định Chứng thư thẩm định giá của Công ty tư vấn, không phát hiện các phiếu khảo sát được lập từ tháng 8/2020, trước thời điểm được bốc thăm lựa chọn là đơn vị tư vấn thẩm định giá tại thời điểm tháng 9/2020; chấp thuận các tài liệu trong Chứng thư thẩm định giá và kết quả thẩm định giá của Công ty Vvai với giá là 17.600.000đ/m2, dẫn đến việc Hội đồng định giá của Thành phố xác định giá khởi điểm thấp hơn nhiều giá trị thực và đã tạo điều kiện để Nguyễn Thị Loan sử dụng các Công ty tham gia đấu giá của Nguyễn Thị Loan thực hiện hành vi thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại cho Ngân sách nhà nước số tiền 135.534.100.677 đồng”.
Về vụ việc thứ ba, tại trang 26, 27 Bản cáo trạng số 28/CT-VKS-P3 ngày 16/01/2024 của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội có nêu: “Trong quá trình tham gia đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội, Nguyễn Thị Loan đã sử dụng pháp nhân của 03 Công ty đều do Loan điều hành hoạt động kinh doanh để tham gia đấu giá, thống nhất với Nguyễn Quang Hưng, Tạ Thị Vân, Nguyễn Xuân Đức bỏ giá các vòng với số tiền như nhau để được bốc thăm, Công ty nào trúng đấu giá thì dự án vẫn thuộc của Nguyễn Thị Loan.
Như vậy, từ việc các bị can ban hành chứng thư thẩm định giá đất không đúng giá trị thực tế (284.682.531.753 đồng) kết quả trúng đấu giá của Công ty Bắc Từ Liêm đối trừ với kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Hà Nội (thời điểm tháng 10/2020) đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền là 135.534.100.677 đồng”.
|
|
Đại diện 6 công ty cùng ký phát hành thông cáo báo chí ngày 23/02/2024. |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Bất động sản Mỹ Đình, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Nhà ở Bắc Từ Liêm, Công ty Cổ phần bất động sản Thanh Trì, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Nhuệ Giang, Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Vimedimex, Công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex (sau đây gọi tắt là “đại diện các doanh nghiệp”), tại thông cáo báo chí vừa mới phát hành ngày 23/02/2024 cho rằng Bản cáo trạng số 28 truy tố các bị can về tội danh theo Điều 218, Điều 360, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có dấu hiệu không đúng sự thật khách quan của sự việc, không đúng người, đúng tội; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, gây oan sai cho người vô tội. Cùng với đó, kết luận các nội dung có liên quan đến các đơn vị tham gia đấu giá “Dự án Cổ Dương” đối với Công ty Cổ phần bất động sản Thanh Trì (Công ty Thanh Trì), Công ty cổ phần Bất động sản Mỹ Đình (Công ty Mỹ Đình) và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Nhà ở Bắc Từ Liêm (Công ty Bắc Từ Liêm) và bà Nguyễn Thị Loan, Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Vimedimex có nhiều điểm chưa đúng sự thật, không có căn cứ pháp luật thể hiện trong quá trình kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong tố tụng hình sự.
Theo ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, cáo trạng đề nghị truy tố có biểu hiện không đúng với xác định sự thật của vụ án được quy định tại Điều 15, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, quy định: “Xác định sự thật của vụ án: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”
Bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch, đúng chủ trương của Đảng, pháp luật
Tại phiên họp cuối năm ngày 25/12/2023 của Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có yêu cầu về việc xử lý những vấn đề nổi cộm trong năm. Cụ thể các lãnh đạo phải tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra tại địa phương; nhất là các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy theo dõi, chỉ đạo hoặc được ủy quyền bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch, đúng chủ trương của Đảng, pháp luật...
Theo đó, trong quý I/2024, phải kết thúc điều tra, giải quyết theo quy định pháp luật 40 vụ án, vụ việc; đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án, gồm: Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CTCP Coma 18 trong quá trình thực hiện dự án VP6 Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội; 3 vụ án liên quan đến CTCP Công nghệ Việt Á; 30 vụ án liên quan các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP. Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt, phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không tạo kẽ hở, dễ lợi dụng và giám sát việc thực thi pháp luật của các cấp chính quyền. Tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân trong công tác giám sát đại biểu dân cử, giám sát cán bộ, công chức nhà nước trong việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát việc thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập…
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng ta chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm được phát hiện, xử lý nghiêm minh, thực hiện đúng quan điểm, tinh thần: “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”./.