Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kon Tum:

Triển khai thực hiện công tác kiểm soát xung đột lợi ích năm 2024

Thứ năm, 22/02/2024 08:02
(ThanhtraVietNam) - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Kon Tum yêu cầu công tác kiểm soát xung đột lợi ích của ngành phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; triển khai các biện pháp đảm bảo đồng bộ, cụ thể; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi vi phạm về kiểm soát xung đột lợi ích.

Các trường hợp xung đột lợi ích

Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Các trường hợp xung đột lợi ích được quy định tại Điều 29 Mục 3 Chương IV Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.

Người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình;

2. Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;

3. Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

4. Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác;

5. Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;

6. Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;

7. Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;

8. Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình;

9. Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.

Hai nhiệm vụ, biện pháp thực hiện công tác kiểm soát xung đột lợi ích

Thực hiện Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 09/01/2024 của UBND tỉnh Kon Tum về phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh; Công văn số 104/TTr-NV3 ngày 06/02/2024 của Thanh tra tỉnh về việc xây dựng các kế hoạch PCTN, tiêu cực năm 2024, Sở NNPTNT xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện công tác kiểm soát xung đột lợi ích năm 2024 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 2 nhiệm vụ, biện pháp.

Một là, thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích

Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn khi được phân công công việc hoặc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo bằng văn bản với người trực tiếp quản lý, sử dụng để xem xét, xử lý theo quy định.

Cơ quan, đơn vị, cá nhân khi phát hiện xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo bằng văn bản cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa, nguồn: snnptnt.kontum.gov.vn

Thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày biết được hoặc phát hiện được nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích với người được giao nhiệm vụ, công vụ, gồm các nội dung: Tình huống có xung đột lợi ích; yhời điểm diễn ra và biết được hoặc phát hiện được xung đột lợi ích; mức độ ảnh hưởng hoặc sẽ ảnh hưởng không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn; đề nghị hoặc kiến nghị biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích.

Hai là, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin, báo cáo thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người đó áp dụng một trong các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại các Điều 32, 33 và 34 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích, cơ quan, đơn vị xử lý thông tin, báo cáo xung đột lợi ích phải thông báo bằng văn bản tới người có xung đột lợi ích và cơ quan, đơn vị, cá nhân có thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích.

Phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong công tác PCTN

Trước đó, Sở NNPTNT Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-SNN về phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác PCTN của ngành NNPTNT. Trong đó, cơ bản khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN; về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và xử lý tham nhũng.

Sở NNPTNT yêu cầu, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm trước Sở NNPTNT nếu kết quả công tác PCTN của cơ quan, đơn vị (năm 2023 và những năm tiếp theo) làm ảnh hưởng đến điểm số đánh giá công tác PCTN ngành NNPTNT, của tỉnh.

Đồng thời, giao Phòng Tổ chức cán bộ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; việc đánh giá, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị trong ngành NNPTNT; việc xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức và việc thực hiện quy tắc ứng xử tại cơ quan, đơn vị trực thuộc; đôn đốc cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện đầy đủ theo quy định.

Riêng Thanh tra Sở có trách nhiệm tham mưu triển khai công tác tiếp công dân định kỳ của Giám đốc Sở; tham mưu Giám đốc Sở xử lý tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân về tham nhũng theo đúng quy định pháp luật; tiếp tục theo dõi, nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đặc biệt về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Mặt khác, tham mưu Sở NNPTNT ban hành kế hoạch công tác PCTN và triển khai đánh giá công tác PCTN theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác công khai minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích, kiểm soát tài sản thu nhập./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra