Bảo tồn đại dương - giải pháp quan trọng chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Thứ năm, 08/06/2017 08:30
(ThanhtraVietNam) - Giới chuyên gia hải dương học quốc tế nhận định việc có thêm nhiều khu bảo tồn hải dương cấm hoạt động đánh bắt thủy hải sản, khai khoáng và khai thác du lịch chính là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo một báo cáo tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị Đại dương đang diễn ra ở New York, các khu vực như vậy có thể giúp bảo vệ bờ biển, nơi vốn dễ bị tác động khi mực nước biển tăng và khi xảy ra bão, đồng thời giúp bảo vệ các loài sinh vật biển đang phải vật lộn chống chọi với tình trạng nước biển nóng lên và ô nhiễm. Báo cáo trên dẫn kết quả các nghiên cứu về tác động của các khu bảo tồn biển trên khắp thế giới cho biết, các khu bảo tồn hải dương có thể giúp giảm bớt quá trình acid hoá đại dương - nguyên nhân giết chết các rạn san hô - và cung cấp nơi trú ẩn cho một số loài sinh vật đang đứng trước nguy cơ suy giảm, giúp hấp thu khí carbon từ hiện tượng phát thải nhà kính, nhất là tại các khu đầm lầy ven biển, qua đó làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.

leftcenterrightdel
 Bảo tồn đại dương là giải pháp quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Tác giả báo cáo trên, giáo sư Callum Roberts đến từ Đại học York cho biết, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc bảo tồn hải dương được quản lý tốt có thể giúp bảo vệ thế giới hoang dã và nâng cao năng suất đánh bắt cá. Tuy nhiên, ông lưu ý cần xem xét nghiên cứu này qua lăng kính của biến đổi khí hậu để thấy các lợi ích này làm gia tăng hoặc làm chậm lại các tác động của hiện tượng này. Ông nhấn mạnh: "Rõ ràng chúng giúp tạo ra hệ sinh thái đại dương và các khả năng chống chọi quan trọng của con người đối với sự biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng".

Chuyên gia nghiên cứu tại Đại học York, ông Beth O'Leary, đồng tác giả báo cáo trên, cho biết các khu bảo tồn hải dương có thể nâng cao sự đa dạng các loài và giảm thiểu sự khan hiếm về lương thực. Song các đánh giá cho thấy các khu bảo tồn này là một chiến lược thích nghi không đòi hỏi công nghệ cao, chi phí thấp trong khi mang lại các lợi ích đa dạng ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu, giúp thay đổi cái nhìn của chính phủ và người dân về tương lai.

Hiện nay, chỉ 3,5% diện tích đại dương trên thế giới được đặt trong tình trạng bảo vệ nhưng chỉ 1,6% được bảo vệ hoàn toàn trước các hoạt động khai thác và đánh bắt thuỷ hải sản. Các nỗ lực quốc tế đang được thúc đẩy nhằm nâng diện tích đại dương được bảo vệ lên 10% vào năm 2020. Hội nghị của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế năm 2016 đã nâng mục tiêu này lên 30% vào năm 2030./.

Dương Thái 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra