Bảo vệ rừng - Chìa khóa giúp châu Phi ứng phó với hiện tượng Trái Đất ấm lên
Thứ tư, 24/05/2017 08:44 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Quản lý và bảo vệ tốt các nguồn tài nguyên rừng rộng lớn ở khu vực Nam Sahara (Xa-ha-ra) là chìa khóa để tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu ở châu Phi, châu lục vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng Trái Đất ấm lên.
Ông Godwin Kowero (Gót-uyn Cô-uê-rô), Thư ký điều hành AFF, có trụ sở tại Nairobi (Kenya), nhấn mạnh khát vọng về một châu Phi xanh chỉ có thể thành hiện thực nếu các nước trong châu lục thúc đẩy quản lý bền vững các nguồn tự nhiên như các khu rừng cao nguyên núi cao, rừng cây bụi, rừng đầm lầy và rừng đước ngập mặn. Theo ông, quản lý rừng có vai trò quan trọng đối với việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, do đó, cần bảo vệ nguồn tài nguyên này khỏi các tác động do con người gây ra cũng như các mối đe dọa tự nhiên như dịch bệnh và các loài gây hại.
Trong khi đó, các quốc gia châu Phi chưa khai thác hết tiềm năng của lĩnh vực này để đối phó với biến đổi khí hậu và đói nghèo do chưa có hệ thống chính sách gắn kết và nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Việc suy giảm nhanh chóng các hệ sinh thái rừng châu Phi do các tác động xấu của khí hậu, sức ép dân số và đô thị hóa có thể cản trở tiến trình phát triển ít carbon tại châu lục lớn thứ hai thế giới này. Vì vậy, các chính phủ cần khuyến khích các cộng đồng và tư nhân đầu tư vào việc bảo tồn rừng nhằm đạt được an ninh lương thực, năng lượng, nước cũng như tăng cường các hệ thống giám sát nhằm kiểm soát các loài ngoại lai, các loài gây hại và dịch bệnh nguy hiểm.
Theo ông Paul Mafabi (Pôn Ma-pha-bi), Giám đốc phụ trách các vấn đề môi trường thuộc Bộ Nước và môi trường Uganda, cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn việc thu hẹp độ che phủ rừng ở châu Phi. Thống kê cho thấy mỗi năm Uganda mất khoảng 100.000 ha rừng, kéo theo khả năng đối phó với biến đổi khí hậu của quốc gia Đông Phi này cũng bị suy giảm trầm trọng./.
Dương Thái