Diễn đàn kinh tế, thương mại Mỹ - châu Phi lần thứ 16

Thứ tư, 16/08/2017 16:14
(ThanhtraVietNam) - Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng hơn 1.000 đại biểu, bao gồm nhiều bộ trưởng, quan chức kinh tế, thương mại cao cấp và các doanh nghiệp đến từ hơn 40 quốc gia châu Phi đã tham dự Diễn đàn về Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội Phát triển cho châu Phi (AGOA) lần thứ 16 vừa được tổ chức tại thủ đô Lomé của Togo (Tô-gô).

AGOA là Đạo luật nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa Mỹ và châu Phi, có hiệu lực từ năm 2000 dưới thời Chính quyền Tổng thống Bill Clinton và đã được gia hạn 3 lần và sẽ kết thúc vào năm 2025.   

leftcenterrightdel
Thủ đô Lomé của nước Cộng hòa Togo.

Theo AGOA, hơn 6.500 sản phẩm từ châu Phi xuất khẩu sang thị trường Mỹ nằm trong danh mục được miễn thuế hải quan, nhưng điều kiện để các nước châu Phi được hưởng quy chế AGOA là phải đáp ứng được các tiêu chí về quản trị tốt, bảo vệ người lao động và tôn trọng nhân quyền. Thêm vào đó là những tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe của Mỹ đối với các sản phẩm xuất khẩu của châu lục này. 

Hiện nay, thặng dư thương mại giữa Mỹ và các quốc gia được hưởng AGOA tiếp tục nghiêng về châu Phi, tuy nhiên kim ngạch buôn bán hai bên đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt, năm 2016 kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt 36 tỷ USD so với 50 tỷ USD năm 2014. Các nước châu Phi hy vọng qua diễn đàn AGOA tổ chức tại Togo lần này, Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp hiệu quả nhằm phục hồi trao đổi buôn bán hai bên và làm rõ hơn chính sách của Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đối với châu Phi, nơi mà hầu như không được nhắc tới trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.          

Theo các chuyên gia kinh tế khu vực, kết quả của Diễn đàn AGOA lần thứ 16 không được như mong đợi của các quốc gia châu Phi khi Tuyên bố chung của Hội nghị chỉ dừng ở mức khuyến nghị khôi phục hợp tác giữa hai bên và không có quyết định quan trọng nào được đưa ra. 

Cụ thể, Mỹ khuyến khích các nước châu Phi đẩy mạnh công nghiệp hóa; cải cách kinh tế sâu rộng; tăng cường liên kết, hội nhập khu vực, châu lục và có sự phối hợp trong hoạt động thương mại, đầu tư với Mỹ. Đồng thời, Mỹ cũng cam kết xem xét việc mở rộng sự hỗ trợ cho các thành viên AGOA.   

Nhân dịp này, các quốc gia châu Phi đề nghị Chính phủ Mỹ không cắt giảm ngân sách của Cơ quan Viện trợ Mỹ (USAID) nhằm tạo thêm nguồn lực cho châu Phi thúc đẩy tham gia Đạo luật AGOA, nhất là có chính sách hỗ trợ các nước châu Phi không có biển trong giao dịch thương mại với Mỹ và không bổ sung thêm những yêu cầu, điều kiện đối với các sản phẩm của châu lục này xuất khẩu vào thị trường Mỹ./.

Dương Thái

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra