Định lượng chi phí kinh tế và tài chính của tham nhũng

Thứ hai, 13/05/2024 19:54
(ThanhtraVietNam) - Nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế đã cố gắng định lượng chi phí toàn cầu về tham nhũng và coi đây như một công cụ để thúc đẩy các biện pháp phòng, chống tham nhũng.

Chi phí kinh tế và tài chính ca tham nhũng

Năm 2017, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính rằng khoảng 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới bị mất hàng năm do tham nhũng, tương đương với quy mô của nền kinh tế Pháp. Một ước tính khác được đưa ra bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết rằng 2 nghìn tỷ USD bị thất thoát trên toàn cầu mỗi năm do tham nhũng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những tổ chức này nói rõ rằng đây chỉ là ước tính và sai số có thể lớn.

Một nỗ lực gần đây nhằm định lượng tác động tài chính của tham nhũng là việc áp dụng Chỉ số Trí tuệ tài chính nhân tạo (AFI), nhằm đo lường chi phí của việc hoạt động kém hiệu quả và tham nhũng có hệ thống ở các quốc gia trên thế giới.

Tham nhũng đã được chứng minh là làm giảm tổng đầu tư, cả đầu tư công và tư nhân. Đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp hơn, hối lộ ước tính chiếm 10% tổng chi phí kinh doanh. Điều này ảnh hưởng đến cơ cấu chi tiêu công, làm giảm hiệu quả hoạt động của chính phủ và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Một phân tích ở 180 quốc gia cho thấy các quốc gia tham nhũng cũng thu ít thuế hơn, vì người dân có thể đưa hối lộ để tránh đóng thuế và lợi dụng các kẽ hở về thuế để đổi lấy tiền lại quả. Ở Georgia, tham nhũng giảm đã giúp tăng số tiền thuế thu được lên gấp đôi từ năm 2003 đến năm 2008.

Ở châu Phi cận Sahara, từ năm 1980 đến năm 2009, 1,2 đến 1,3 nghìn tỷ USD đã rời khỏi lục địa này. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề ảnh hưởng đến các nước có thu nhập thấp, vào năm 2023, Ủy ban Châu Âu (EC) ước tính rằng nền kinh tế EU thiệt hại khoảng 120 tỷ euro mỗi năm do tham nhũng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (nguồn: eatmy.news) 

Tại Vương quốc Anh, năm 2020, Cơ quan chống gian lận quốc gia (NHS) ước tính thiệt hại hàng năm do gian lận, hối lộ và tham nhũng trong dịch vụ y tế quốc gia lên đến 1,27 tỷ bảng Anh. Ở Georgia, khoảng 15% chi tiêu trong các lĩnh vực đã bị thất thoát do tham nhũng.

Tuy nhiên, không phải tất cả chi phí tham nhũng đều là tiền tệ, vì một số hình thức tham nhũng như trục lợi hoặc bảo trợ, gây ra hậu quả gián tiếp thông qua việc bóp méo chính sách công và cung cấp dịch vụ. Hành vi lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân không ảnh hưởng trực tiếp về mặt tài chính mà thay vào đó gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực và làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Như vậy, ngay cả khi những tội phạm này bị xử phạt, cũng có thể không có tài sản tài chính hữu hình nào có thể thu hồi được.

Thu hi tài sn tht thoát

Do nhiều vụ tham nhũng có tính chất xuyên quốc gia nên việc thu hồi tài sản đồng nghĩa với việc các quốc gia cần hợp tác để truy tìm tài sản và trả về khu vực tài phán nơi chúng bị đánh cắp. Trong khi các quốc gia thường dẫn đầu quá trình thu hồi tài sản, các tổ chức xã hội dân sự cũng đóng một vai trò quan trọng thông qua việc nâng cao nhận thức, nghiên cứu và vận động chính sách.

Kể từ năm 2010, Sáng kiến Thu hồi tài sản bị đánh cắp (STAR) của Ngân hàng Thế giới và UNODC ước tính giá trị tài sản bắt nguồn từ tham nhũng đã được trả lại trên phạm vi quốc tế lên đến 10,1 tỷ USD kể từ khi STAR đi vào hoạt động. Tuy nhiên, về mặt thống kê cấp quốc gia, số tài sản được trả lại đã nêu thường không được phân chia theo loại tội phạm (cũng như nguồn tài trợ để thu hồi tài sản). Điều này có nghĩa là việc ước tính chính xác số lượng tài sản bị đánh cắp do tham nhũng là rất khó khăn.

Ở Vương quốc Anh, có ba cơ chế pháp lý riêng biệt được sử dụng để thu hồi tài sản liên quan đến hoạt động tội phạm. Lệnh truy thu dân sự được sử dụng để thu hồi tài sản được cho là do phạm tội mà có; lệnh tịch thu được ban hành như một phần của quá trình tuyên án sau khi kết án và yêu cầu bị cáo phải nộp một khoản tiền nhất định sau khi tài sản đã được định giá; và lệnh tịch thu liên quan đến việc tịch thu những tài sản cụ thể được cho là được sử dụng liên quan đến hoạt động tội phạm.

Vương quốc Anh thu hồi tiền thông qua Đạo luật tố tụng tội phạm (POCA) 2002, cung cấp khuôn khổ pháp lý để cho phép điều tra và truy tố các tội phạm liên quan đến lợi ích từ hành vi phạm tội và được sử dụng để tước đoạt tiền hoặc tài sản khác của tội phạm liên quan đến hoạt động tội phạm. Chỉ từ năm 2022-2023, Vương quốc Anh đã thu hồi được tài sản với tổng trị giá 339,1 triệu bảng Anh.

Nhiều quốc gia chọn thành lập quỹ tịch thu tài sản để quản lý tài sản được trả lại và xác định cách thức và tài sản có thể chuyển đến ai. Quỹ tịch thu tài sản có thể cung cấp nguồn thu cho các cơ quan chịu trách nhiệm thu hồi tài sản. Ví dụ, các quốc gia như Canada, Chile, Israel, Thụy Sĩ và Mỹ đều có quỹ tịch thu tài sản. Pháp có mô hình hoàn trả tài sản bất hợp pháp trực tiếp cho kho bạc quốc gia của nước xuất xứ hoặc cho Cơ quan Phát triển Pháp, các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới.

Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Kiểm soát Tội phạm Toàn diện năm 1984 đã thành lập Quỹ Tịch thu Tài sản của Bộ Tư pháp để nhận tài sản được trả lại. Vào năm 2023, 1.597.812.000 đô la Mỹ đã được trả cho cơ quan thực thi pháp luật từ quỹ tịch thu tài sản.

 

Dương Nguyễn (Theo The U4 Anti-Corruption Resource Centre)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra