Doanh nghiệp Canada "bất an" về nội dung tái đàm phán NAFTA
Thứ tư, 23/08/2017 09:04 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Các nước Mỹ, Mexico và Canada vừa kết thúc vòng thương thảo đầu tiên về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cam kết tiến hành đàm phán nhanh chóng trong những tháng tới để nâng cấp thỏa thuận thương mại đã có 23 năm tồn tại này vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới đây, Liên đoàn các doanh nghiệp độc lập của Canada (CFIB) cho biết, các thành viên của họ đang lo ngại rằng bất cứ sự thay đổi nào về nội dung NAFTA đều có thể ảnh hưởng lớn tới khả năng bán hàng và cung cấp dịch vụ ở thị trường nước ngoài.
CFIB cũng bày tỏ quan ngại về việc những thành viên của liên đoàn này sẽ phải tăng giá bán nếu các khoản thuế quan trong Hiệp định mới bị tăng lên. Bên cạnh đó, những mơ hồ xung quanh cách thức các đối tác thương mại sẽ làm ăn với nhau ra sao cũng khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ của Canada gặp khó trong việc lập kế hoạch cho tương lai.
Ông Dan Kelly - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Liên minh các doanh nghiệp độc lập Canada
Nhìn chung, CFIB mong muốn Hiệp định NAFTA mới sẽ duy trì phần lớn nội dung ban đầu. Trong khi đó, ngành sản xuất bơ sữa của Canada - vốn không được đệ cập trong Hiệp định NAFTA cũ - đang phải đối mặt với những tranh cãi từ phía Mỹ về hệ thống quản lý nguồn cung sữa. Trước đó, Tổng thổng Mỹ Donald Trump đã cam kết sẽ thúc đẩy Canada mở rộng khả năng cho các sản phẩm từ Mỹ tiếp cận thị trường sữa của nước này.
Các nhà sản xuất sản phẩm sữa của Mỹ lâu nay tỏ ra “không vui” trước việc những doanh nghiệp Canada hưởng lợi từ chính sách kiểm soát giá của chính phủ, qua đó bán được các sản phẩm với giá thấp hơn và đẩy các doanh nghiệp Mỹ “ra rìa”.
Một mối lo ngại khác về việc tái đàm phán NAFTA chính là Hiệp định mới này có thể ảnh hưởng đến giá các sản phẩm sữa của Canada. Mặc dù trước khi quá trình đàm phán bắt đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland đã cam kết sẽ bảo vệ hệ thống quản lý nguồn cung cho các trang trại nước này.
Các ngành công nghiệp sản xuất sữa, trứng và gia cầm của Canada đang được quản trị bởi một hệ thống quản lý nguồn cung có từ những năm 1970. Hệ thống này bao gồm ba phần: giá cả cố định, hạn ngạch sản xuất và biểu thuế nhằm bảo vệ các nhà sản xuất Canada trước sự cạnh tranh từ những đối thủ nước ngoài./.
Dương Thái