Giới chuyên gia Canada chỉ trích quan điểm của Mỹ về thâm hụt thương mại
Thứ hai, 21/08/2017 08:28 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Theo các chuyên gia thương mại tại trường Đại học British Columbia (UBC) của Canada, những lời phàn nàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thâm hụt thương mại của nước này với các đối tác khác tại Bắc Mỹ cho thấy vị Tổng thống này không hiểu và bỏ qua những quy tắc kinh tế vĩ mô cơ bản.
Trong quá trình tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã mô tả Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là "một thảm họa" và cho rằng đây là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp và bị thâm hụt thương mại hàng chục tỷ USD mỗi năm. Theo số liệu thống kê chính thức của Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này với Mexico và Canada trong năm 2016 lần lượt là 64 tỷ USD và 10,9 tỷ USD.
Thâm hụt thương mại là điểm xấu của nền kinh tế Mỹ
Theo chuyên gia Werner Antweiler của đại học UBC, ông Trump – với việc chỉ trích thâm hụt thương mại của Mỹ trong quan hệ thương mại với Mexico và Canada - đã bỏ qua việc ba nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ đã trở nên gắn kết sâu sắc với nhau ra sao, đồng thời coi những hiệp định kinh tế (như NAFTA) như một sự cạnh tranh thay vì mang lại lợi ích cho các bên.
Chuyên gia Antweiler nói rằng, hoạt động sản xuất hàng hóa, ví dụ như trong ngành ô tô, đều cần sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia do các loại phụ tùng hay linh kiện đều được vận chuyển qua biên giới các nước nhiều lần trước khi được lắp ráp thành phẩm. Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang khiến nhiều bang ở Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế, do những bang này phụ thuộc khá lớn vào giao thương trực tiếp với các tỉnh của Canada trong việc sản xuất ô tô, bên cạnh những lĩnh vực công nghiệp khác.
Ngoài ra, chuyên gia Antweiler cũng chỉ ra rằng nỗ lực xóa bỏ thâm hụt thương mại của Mỹ cũng không đảm bảo sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho quốc gia này như lời ông Trump từng nói. Thị trường lao động Mỹ sẽ tự điều chuyển lao động từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, và hầu hết số việc làm “biến mất” trong lĩnh vực chế tạo đều chuyển dịch sang lĩnh vực dịch vụ do ảnh hưởng từ những tiến bộ công nghệ, chứ không phải hoạt động thương mại.
Các quan chức của Mỹ, Canada và Mexico đã bắt đầu vòng tái đàm phán đầu tiên về NAFTA tại Washington vào ngày 16/8 vừa qua. Trong vòng đàm phán đầu tiên diễn ra từ ngày 16 đến 20/8, tất cả các bên đưa các đề xuất của mình và thống nhất về cách thức tiến hành tái đàm phán. Vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng Chín tại Mexico. Các bên liên quan sẽ tiến hành 7 vòng đàm phán, mỗi vòng đàm phán cách nhau 3 tuần và có gắng hoàn tất hiện đại hóa hiệp định vào đầu năm 2018.
NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa ba quốc gia Bắc Mỹ tăng trưởng cao kể từ khi NAFTA có hiệu lực vào ngày 1/1/1994, với tổng kim ngạch đạt trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016./.
Dương Thái