Hội nghị cấp cao Mỹ - Hàn diễn ra vào cuối tháng này (29-30/6) sẽ là Hội nghị cấp cao đầu tiên kể từ khi Mỹ và Hàn Quốc có nhà lãnh đạo mới. Trong bối cảnh tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng căng thẳng, liệu Hội nghị cấp cao lần này có thể tìm ra biện pháp làm giảm nhiệt tình hình hiện nay hay không?
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Daily Express)
Mặc dù hai bên chưa công bố nội dung sẽ thảo luận nhưng có thể khẳng định vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ là nội dung quan trọng tại Hội nghị cấp cao Mỹ – Hàn diễn ra tại Washington, Mỹ vào cuối tháng này.
Trong bối cảnh tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đang ngày một leo thang do Triều Tiên bất chấp các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, liên tiếp tiến hành các vụ phóng tên lửa trong thời gian qua, trong khi đó Mỹ tuyên bố không loại trừ bất cứ khả năng nào kể cả giải pháp sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thì các nội dung thảo luận nhằm tìm ra giải pháp cho tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên tại Hội nghị cấp cao lần này thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận.
Về cơ bản, Mỹ – Hàn đã đạt được nhận thức chung về giải quyết vấn đề hạt nhân của Tiêu Tiên đó là đốc thúc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn việc phát triển vũ khí hạt nhân của mình. Để thực hiện mục tiêu này hai bên đều cho rằng cần phải thông qua các biện pháp gây áp lực, cấm vận, đối thoại đối với Triều Tiên... song có thể nhận thấy sự khác biệt trong biện pháp thực hiện mục tiêu của mỗi nước.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng cấm vận và gây sức ép là tiền đề để buộc Triều Tiên phải quay trở lại bàn đàm phán, chỉ có thể thông qua đàm phán mới giải quyết được vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump là tập trung “gây sức ép và can dự tối đa” trong đó nhấn mạnh các biện pháp gây sức ép và cấm vận. Do đó, với vai trò là hai chủ thể quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tại Hội nghị lần này hai bên sẽ phải thống nhất cách thức thực hiện để đạt được mục đích chung cuối cùng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Hội nghị lần này hai bên cũng sẽ tập trung thảo luận về Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD khi mà trước đó các động thái về việc xem lại thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai THAAD của Tổng thống Moon Jae-in cũng khiến dư luận chú ý.
Trong một bài phát biểu, ông Moon Jae-in nói: “Tôi không biết là do nguyên nhân nào khiến quá trình triển khai THAAD trong giai đoạn luận tội Tổng thống Park Geun-hye lại được đẩy nhanh một cách bất thường. Những đánh giá về môi trường cần phải được tiến hành cẩn thận nhưng đã kết thúc nhanh chóng”.
Việc triển khai THAAD đã khiến quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên, Hàn Quốc – Trung Quốc căng thẳng trong thời gian qua và khiến kinh tế Hàn Quốc, trong đó đặc biệt là ngành du lịch bị thiệt hại nghiêm trọng.
Mặc dù khó có khả năng Hàn Quốc đảo ngược lại việc đồng ý cho Mỹ triển khai THAAD tại nước này, tuy nhiên đây cũng có thể coi động thái của Hàn Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc.
Với ảnh hưởng của mình lên Triều Tiên, vai trò của Trung Quốc là vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tại Đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ – Trung hôm 21/6 vừa qua, Mỹ cũng đã tiếp tục kêu gọi Trung Quốc cần cứng rắn hơn nữa trong việc gây sức ép và gia tăng các biện pháp cấm vận đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng chỉ gây sức ép thôi là không đủ, điều quan trọng là các nước cần tìm ra biện pháp để đưa được Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.
Hy vọng, Hội nghị cấp cao lần này nguyên thủ hai nước sẽ tìm ra được lối đi nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên./.
Theo Hà Thắng, Đinh Tuấn/VOV-Bắc Kinh