Bà Nicole Ghio (Ni-côn Ghi-ô), đại diện cấp cao Chiến dịch Năng lượng và khí hậu quốc tế của Tổ chức Môi trường Sierra Club, cho biết nếu trong cuộc cạnh tranh vị trí đứng đầu tại Ấn Độ, năng lượng mặt trời đã giành chiến thắng trước than đá thì tại Trung Quốc, việc sử dụng than cũng đang suy giảm và thị trường năng lượng mặt trời đang "bùng nổ". Bà nhấn mạnh "đây không phải là sự bất thường tạm thời mà là những thay đổi mang tính địa chấn”. Nếu các nước đang phát triển ở châu Á có thể tiếp tục sử dụng ít than đá và tăng cường khai thác năng lượng sạch, điều này sẽ mang đến hy vọng không chỉ cho bầu khí quyển toàn cầu, mà còn có thể báo hiệu một kỷ nguyên phát triển mới trong khu vực được coi là "trái tim" của nền kinh tế toàn cầu.
Kỉ nguyên mới cho năng lượng tái tạo
Trong nhiều năm qua, nhu cầu sử dụng than đá quá mức ở 2 quốc gia đang phát triển với tốc độ chóng mặt là Trung Quốc và Ấn Độ đã đẩy giá của loại nhiên liệu này luôn ở mức cao. Từ năm 2002-2012, việc kinh doanh than đá toàn cầu đã tăng gấp đôi, với 4 nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ. Theo thống kê, năm 2013, Trung Quốc nhập 341 triệu tấn, hay khoảng 20 tỷ USD than đá. Ấn Độ không hề kém cạnh khi nhập khẩu khoảng 210 triệu tấn, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chiếm một phần đáng kể. Điều này đồng nghĩa với sự chuyển đổi việc tiêu thụ năng lượng than đá từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á, và do đó, châu Á cũng trở thành khu vực phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đó, nhập khẩu than của Trung Quốc giảm 30%, và thậm chí còn giảm sâu hơn vào năm 2016. Hiện các nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc đang bị đóng cửa và các dự án xây dựng trên khắp cả nước bị đình trệ. Điều này cũng xảy ra tại Ấn Độ. Ở quốc gia có số dân đông thứ 2 thế giới này, năng lượng mặt trời đang phát triển mạnh mẽ và có giá tương đương với than đá. Đầu tháng 6 này, Uttar Pradesh (U-ta Pra-đét) - bang thiếu năng lượng và đông dân nhất Ấn Độ - đã tuyên bố cắt giảm hơn 7.000 MW sản lượng điện tại các nhà máy nhiệt điện than.
Ông Lauri Myllyvirta (Lau-ri Mi-li-via-ta), một chuyên gia về ô nhiễm không khí và than đá của Tổ chức Hòa bình xanh khẳng định hầu như hàng tuần đều có các tin tức về việc hủy bỏ các dự án than hoặc khó khăn của các dự án mới bắt đầu tại Ấn Độ. Điều này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước xuất khẩu than đá lớn. Theo đó, doanh thu từ xuất khẩu than toàn cầu chỉ đạt 74,4 tỷ USD vào năm 2016 - giảm 43,5% so với năm 2012, trong khi việc vận chuyển than lại tiêu tốn đến 131,6 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, hiện chỉ còn Đông Nam Á đang đại diện cho sự chống cự cuối cùng của ngành công nghiệp than đang hấp hối. Lý do duy nhất khiến than đá vẫn tồn tại trong các kế hoạch chính ở Đông Nam Á là bởi các chính sách ủng hộ việc sử dụng than đá của các chính phủ, và từ nguồn tài trợ dồi dào của Nhật Bản. Điều này tạo ra một lợi thế về chi phí cho than đá, tuy nhiên, lợi thế này sẽ không thể kéo dài.
Mặc dù nhiều nhà phân tích tin rằng than đá sẽ quay trở lại mức giá trước đây và vẫn là một nguồn năng lượng chính trong những năm tới, song cũng có ý kiến cho rằng có quá nhiều điều “ngăn cản bước tiến” của than đá, chẳng hạn như sự kết hợp giữa thực tế tài chính, hành động về khí hậu và mối quan tâm ngày càng tăng về ô nhiễm không khí. Theo ông Jim Barry (Gim Ba-ri), Giám đốc toàn cầu của Tập đoàn Đầu tư Cơ sở hạ tầng BlackRock, việc tìm kiếm một tầm nhìn xa hơn 10 năm với than đá đang là một sự "đánh cược vô cùng liều lĩnh". Nếu châu Á, rồi Đông Nam Á, theo sau là Ấn Độ và Trung Quốc dần không còn sử dụng than đá, điều này có nghĩa trung tâm của nền kinh tế toàn cầu không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch để tăng trưởng nữa./.
Dương Thái