Cà Mau:

Kết quả thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại Cà Mau

Thứ hai, 10/04/2023 18:13
(ThanhtraVietNam) - Tại kết luận về trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng (PCTN); công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; việc chuyến đổi mục đích đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở; thanh tra các công trình, dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị tại tỉnh Cà Mau, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những thiếu sót cần được khắc phục tại địa phương.

Cụ thể, ngày 10/02/2023, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 325/KL-TTCP về thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN; công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cố phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở; thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị tại tỉnh Cà Mau. Kết luận thanh tra đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo thực hiện tại Văn bản số 1277/VPCP-V.I ngày 01/3/2023 của Văn phòng Chính phủ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa  

Thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN

Theo đó, trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN. Hàng năm, Thanh tra tỉnh đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch theo định hướng thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; đồng thời, hướng dẫn cơ quan thanh tra cấp dưới xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm để hạn chế chồng chéo, trùng lắp. Các cuộc thanh tra cơ bản thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN được tổ chức thực hiện. Lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm tiếp công dân đột xuất khi có yêu cầu, có tổ chức đối thoại, giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, điểm nóng khi có phát sinh; các cơ quan, đơn vị được thanh tra có thực hiện công khai, minh bạch về thủ tục hành chính, nội quy, quy chế chi tiêu nội bộ, dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn những hạn chế, tồn tại. Cụ thể, trong thời kỳ thanh tra, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành với số lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong lĩnh vực PCTN. Việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và ban hành kết luận thanh tra của nhiều cuộc thanh tra không đảm bảo về thời gian theo quy định. Mặt khác, công tác giám sát hoạt động Đoàn thanh tra chưa được thực hiện theo đúng quy định.

Việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến đất đai của tỉnh Cà Mau được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 3 và Điều 5 Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND và khoản 4 Điều 3 Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cà Mau; tuy nhiên, một số nội dung của quy định này chưa phù hợp với quy định tại Thông tư 07/2013/TT-TTCP và Thông tư 07/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Một số hạn chế về công tác quản lý, sử dụng đất đai

Trong thời kỳ thanh tra, UBND tỉnh Cà Mau, các Sở, ngành và UBND cấp huyện đã có nhiều cố gắng và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn thiếu sót, sai phạm cần được khắc phục.

Cụ thể, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các đơn vị hành chính cấp huyện chưa kịp thời, chậm so với quy định, vi phạm Điều 21 Luật Đất đai 2003. Công tác lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu, kỳ cuối của tỉnh chưa sát thực tế, chưa tuân thủ nguyên tắc về sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giữa các cấp, vi phạm khoản 2 Điều 21 Luật Đất đai 2003, khoản 2 Điều 35 Luật Đất đai 2013.

Mặt khác, kết quả triển khai các công trình, dự án đạt tỷ lệ rất thấp, nhiều công trình, dự án không phù hợp với tình hình thực tế phải loại bỏ, dừng đầu tư; nhiều công trình, dự án phải điều chỉnh quy hoạch hoặc chuyển tiếp sang kỳ tiếp theo. Công tác thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đối với nhà đầu tư chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều công trình, dự án nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai thực hiện dự án...

Trong thời kỳ thanh tra, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau chủ yếu áp dụng phương pháp so sánh trực tiếp để xác định đơn giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Nhưng đa số các trường hợp áp dụng phương pháp so sánh, thửa đất là tài sản so sánh không tương tự về mục đích sử dụng đất, diện tích, hình thể...; vi phạm quy định tại Mục 1 Phần I Thông tư số 145/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính; khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP; điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mặc dù, UBND tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện việc chuyển đổi từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất đối với các tổ chức kinh tế và đơn vị sự nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Đất đai 2013, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, đến thời điểm thanh tra mới có 06/26 tố chức, đơn vị chuyển sang hình thức thuê đất (chỉ đạt 23,08%), diện tích chỉ đạt 4,78%, dẫn đến không kịp thời huy động nguồn vốn cho ngân sách nhà nước.

Về việc chuyển đổi mục đích đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở và việc cấp Giấy CNQSDĐ tại khu vực đô thị, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế như: UBND tỉnh thiếu sót trong quá trình rà soát việc chuyển mục đích sử dụng đất sang kinh doanh đất và xây dựng nhà ở để bán đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý khi chuyển thành Công ty cổ phần; trong kỳ thanh tra, việc cấp Giấy CNQSD đất ở đô thị đối với tổ chức, cá nhân còn chậm so với yêu cầu...

Đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng, trong thời kỳ thanh tra, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn đã được tỉnh Cà Mau quan tâm (nhất là khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực). Qua đó, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản, phát huy hiệu quả vốn đầu tư công. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý theo đúng quy định. Cụ thể, công tác quản lý nhà nước về định mức xây dựng, giá xây dựng, đơn giá vận chuyến, bốc xếp, đơn giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, bất cập dẫn đến khó khăn trong việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với dự án đầu tư. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó chia tách thành nhiều gói thầu xây lắp không đảm bảo căn cứ theo tính chất kỹ thuật, tính đồng bộ của dự án và sự hợp lý về quy mô gói thầu...

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan

Trước những hạn chế, thiếu sót nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và áp dụng hình thức xử lý tương xứng đối với những vi phạm, thiếu sót đã nêu tại phần kết quả thanh tra, phần kết luận và biên bản làm việc giữa Đoàn thanh tra với đơn vị được thanh tra; đồng thời, xác định biện pháp, tổ chức khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót nêu trên. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện hành vi vi phạm của tổ chức cá nhân có dấu hiệu hình sự thì chuyển ngay sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý theo quy định.

Mặt khác, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật về thuế để thu hồi về cho ngân sách nhà nước số tiền 18.410 triệu đồng nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp.

Thông báo kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Chủ đầu tư thu hồi 4.211 triệu đồng của 05 dự án đầu tư do điều chỉnh đơn giá vật liệu, nhân công, máy thi công không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát lại hồ sơ của tất cả các gói thầu xây lắp đã ký hợp đồng với hình thức trọn gói hoặc hình thức theo đơn giá cố định thuộc dự án đầu tư công có điều chỉnh đơn giá vật liệu, nhân công, máy thi công để thu hồi số tiền điều chỉnh đơn giá vật liệu, nhân công, máy thi công không đúng quy định của pháp luật về cho ngân sách nhà nước (nếu có).

- UBND tỉnh Cà Mau chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung kiến nghị nêu tại Kết luận thanh tra số 325/KL-TTCP ngày 10/02/2023 của Thanh tra Chính phủ.

- Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đến Bộ Công an để xử lý theo quy định.

- Thanh tra Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận thanh tra số 325/KL-TTCP ngày 10/02/2023. Bộ Công an, UBND tỉnh Cà Mau thực hiện và gửi Thanh tra Chính phủ kết quả để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra