Kiểm tra cấp Giấy phép môi trường đối với cơ sở “Thủy điện Sông Bung 4”

Thứ ba, 20/08/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - Thủy điện Sông Bung 4 sẽ được kiểm tra các nội dung giấy phép môi trường dự kiến từ ngày 23/8/2024.

Ngày 19/8, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ký Văn bản số 3008/KSONMT-CN&NH về kế hoạch kiểm tra cấp Giấy phép môi trường đối với cơ sở “Thủy điện Sông Bung 4”.

leftcenterrightdel
Thông báo số 3008/KSONMT-CN&NH ngày 19/8/2024 của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường 

Trước đó, ngày 08/8, Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 2206/QĐ-BTNMT thành lập Đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở “Thủy điện Sông Bung 4” của Công ty Thủy điện Sông Bung - Chi nhánh Tổng Công ty Phát điện 2 - Công ty cổ phần (gọi tắt là Đoàn kiểm tra).

Đoàn kiểm tra gồm 9 thành viên thuộc các đơn vị: Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Viện Khoa học Thủy lợi, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; Sở Công thương; Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường làm Trưởng đoàn.

Đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra thực tế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra trong quá trình cấp giấy phép môi trường của cơ sở; gửi kết quả kiểm tra cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

leftcenterrightdel
 Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4, xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Nguồn ảnh: https://evngenco2.vn/

Dự kiến Đoàn kiểm tra sẽ làm việc tại xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vào ngày 23/8/2024. Với nội dung kiểm tra là xem xét, đánh giá về hồ sơ, thực tế và các nội dung quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường.

Đoàn kiểm tra tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.


Điều 40. Nội dung giấy phép môi trường

1. Nội dung giấy phép môi trường gồm thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; nội dung cấp phép môi trường; yêu cầu về bảo vệ môi trường; thời hạn của giấy phép môi trường; nội dung khác (nếu có).

2. Nội dung cấp phép môi trường bao gồm:

a) Nguồn phát sinh nước thải; lưu lượng xả nước thải tối đa; dòng nước thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng nước thải; vị trí, phương thức xả nước thải và nguồn tiếp nhận nước thải;

b) Nguồn phát sinh khí thải; lưu lượng xả khí thải tối đa; dòng khí thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng khí thải; vị trí, phương thức xả khí thải;

c) Nguồn phát sinh và giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung;

d) Công trình, hệ thống thiết bị xử lý chất thải nguy hại; mã chất thải nguy hại và khối lượng được phép xử lý, số lượng trạm trung chuyển chất thải nguy hại, địa bàn hoạt động đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;

đ) Loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

3. Yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Có công trình, biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu; trường hợp xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với nguồn nước công trình thủy lợi;

b) Có biện pháp, hệ thống, công trình, thiết bị lưu giữ, vận chuyển, trung chuyển, sơ chế, xử lý đáp ứng yêu cầu quy trình kỹ thuật và quản lý đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;

c) Có kho, bãi lưu giữ phế liệu đáp ứng quy định; hệ thống thiết bị tái chế; phương án xử lý tạp chất; phương án tái xuất đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

d) Có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; trang thiết bị, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quan trắc môi trường;

đ) Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; cải tạo, phục hồi môi trường; bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật;

e) Yêu cầu khác về bảo vệ môi trường (nếu có).

4. Thời hạn của giấy phép môi trường được quy định như sau:

a) 07 năm đối với dự án đầu tư nhóm I;

b) 07 năm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I;

c) 10 năm đối với đối tượng không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này;

d) Thời hạn của giấy phép môi trường có thể ngắn hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (sau đây gọi chung là chủ dự án đầu tư, cơ sở).

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu giấy phép môi trường.


Lâm Ánh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra