Theo đó, mục đích của Kế hoạch là nhằm xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; phát hiện những vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong công tác XLVPHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền biện pháp giải quyết đối với những vấn đề còn bất cập, khó khăn. Kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về XLVPHC; góp phần hạn chế các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về XLVPHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về XLVPHC.
Yêu cầu đặt ra là việc tổ chức thực hiện Kế hoạch đảm bảo kịp thời, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị khi được kiểm tra. Việc kiểm tra phải thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền và trách nhiệm; nội dung kiểm tra đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng quy định pháp luật về XLVPHC. Công tác kiểm tra phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả và đúng quy định. Hoạt động kiểm tra phải đánh giá được kết quả thực hiện và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm (nếu có) trong thi hành pháp luật về XLVPHC của đơn vị thuộc đối tượng kiểm tra. Gắn kết chặt chẽ giữa kiểm tra thi hành pháp luật về XLVPHC và hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về XLVPHC.
Đối tượng được kiểm tra là một số sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện (mỗi đơn vị cấp huyện chọn thêm 01 đơn vị cấp xã để kiểm tra).
|
|
Phiên họp thường kỳ tháng 4/2024 của UBND tỉnh Vĩnh Long (Ảnh: CTTĐT.VL) |
Nội dung kiểm tra gồm việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác thi hành pháp luật về XLVPHC theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Thời gian dự kiến kiểm tra trong quý II năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tư pháp căn cứ phạm vi, lĩnh vực kiểm tra phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra theo quy định. Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn kiểm tra. Xây dựng Đề cương báo cáo kiểm tra; Thông báo cho đơn vị được kiểm tra thời gian, nội dung, địa điểm,… kiểm tra theo quy định. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình, kết quả kiểm tra và đề xuất phương án xử lý (nếu có) theo quy định. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định pháp luật về XLVPHC (nếu có). Trường hợp qua kiểm tra phát hiện quy định pháp luật về XLVPHC không đầy đủ, không thống nhất, thiếu khả thi hoặc có sai sót, kịp thời kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan là phân công cán bộ, công chức đúng chuyên môn nghiệp vụ tham gia Đoàn kiểm tra. Phối hợp chuẩn bị các nội dung, tài liệu phục vụ cho quá trình kiểm tra khi nhận được yêu cầu của Sở Tư pháp.
Trách nhiệm của đối tượng được kiểm tra là thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, thông tin và cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của báo cáo, thông tin và cung cấp tài liệu. Tham gia buổi kiểm tra đúng thời gian, đầy đủ thành phần theo yêu cầu, phối hợp và tạo điều kiện cho Đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm tra. Chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kết luận kiểm tra.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2023, tổng số vụ vi phạm hành chính (VPHC) xảy ra trên địa bàn tỉnh là 3.236 vụ, vi phạm ở hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước của tỉnh; trong đó, xảy ra phổ biến ở một số lĩnh vực như: buôn bán hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, vi phạm nhãn, hạn sử dụng, an toàn thực phẩm, chưa niêm giá theo quy định; vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, phân bón kém chất lượng; bảo vệ môi trường; khai thác khoáng sản cát sông trái phép; xe chở quá tải trọng cho phép, vi phạm nồng độ cồn;… So với cùng kỳ năm 2022, số vụ VPHC tăng 78 vụ (3.236/3.158). Mặc dù trong năm công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) được các ngành, UBND các cấp thực hiện thường xuyên, liên tục, ý thức người dân được nâng lên; mức phạt tiền đối với hành vi VPHC một số lĩnh vực tăng đã tác động đến tâm lý người dân; do đó, hành vi VPHC trên một số lĩnh vực có giảm, tuy nhiên số vụ VPHC tăng chủ yếu ở lĩnh vực giao thông do cá nhân uống rượu bia khi trực tiếp tham gia giao thông (lái xe)./.