Góc nhìn thanh tra trong hoạt động quản lý giao thông vận tải:

Một số kinh nghiệm trong công tác thanh tra việc chấp hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô

Thứ ba, 28/03/2023 09:31
(ThanhtraVietNam) - Quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô tại một số khu vực đô thị cho thấy một số kinh nghiệm để khắc phục khó khăn, bất cập trong công tác quản lý như: Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho chủ phương tiện và chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải; thường xuyên, liên tục tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm đi liền với việc đề xuất với cơ quan quản lý tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách…

Trong công thanh tra chuyên ngành, hàng năm Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phải xây dựng các phương án, kế hoạch chủ trì hoặc phối hợp với lực lượng Công an tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có công tác thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Liên quan trực tiếp tới hoạt động này, tình trạng “xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định” cũng là một “biến tướng” hình thức để các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng ô tô “lách luật”, hoạt động “chui” xảy ra không ít tại các đô thị. Do vậy, nhiều Thanh tra Sở GTVT các địa phương cũng có các chuyên đề về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và xử lý vi phạm về “xe dù, bến cóc”…

Trên thực tế, thực trạng khu vực đô thị tại Hà Nội, thành phố Đà Nẵng hay tỉnh Đắk Lắk tình trạng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải nói chung và vi phạm về tình trạng “xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định” vẫn còn tồn tại. Hoạt động vi phạm nếu không đến từ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn thì cũng do các đơn vị kinh doanh vận tải khách ở các tỉnh khác đến.

leftcenterrightdel
 Kiểm tra điều kiện hoạt động vận tải tại bến xe khách. Ảnh: Tràng An

 

Theo chia sẻ từ các lực lượng thanh tra giao thông, đối với địa bàn Hà Nội, khó khăn, tồn tại gặp phải là lực lượng thanh tra viên còn mỏng, địa bàn trải rộng. Khi vắng bóng lực lượng chức năng, vẫn còn hiện tượng nhà xe vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện và đội ngũ lái xe chưa tốt, mang tính đối phó với cơ quan quản lý nhà nước nên vẫn còn tình trạng để xảy ra vi phạm như: Bỏ chuyến, chạy sai hành trình, đón trả khách không đúng nơi quy định, sử dụng xe hợp đồng chạy trá hình…

Trong khi đó, tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, năng lực chuyên môn thực tế của người điều hành vận tải: Không ít người điều hành vận tải, mặc dù được cấp Chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ nhưng năng lực chuyên môn còn hạn chế, không nắm vững các quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Đối với địa bàn tại Đà Nẵng, lực lượng chức năng gặp khó khăn khi các Hợp tác xã, hộ cá thể, với phạm vi hoạt động rộng, lái xe có nhiều thủ thuật, thay đổi nhiều vị trí đón, bắt khách dọc đường, có sự giúp sức của xe ôm tập trung gom khách từ những địa điểm không cố định nên rất khó kiểm soát. Chưa kể, lực lượng tuần tra, kiểm soát còn mỏng, khó duy trì thường xuyên…

leftcenterrightdel
 Lái xe xuất trình giấy tờ cho lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra. Ảnh: Tràng An

Từ những khó khăn, bất cập như trên, lực lượng thanh tra giao thông chia sẻ một số kinh nghiệm để thực hiện tốt chức năng thanh tra chuyên ngành, thanh tra chuyên đề về xử lý “xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định”, cũng như các vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng ô tô nói chung như sau:

Công tác quản lý nhà nước về vận tải địa phương phải chủ động, kịp thời, tiếp cận với các đơn vị để tuyên truyền vận động các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì thường xuyên. Có sự phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của Sở GTVT và đơn vị liên quan như Công an, trật tự đô thị. Có sự đoàn kết nhất trí trong chỉ đạo và thực thi công vụ.

Mặt khác, lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT và các thanh tra viên phải có trình độ chuyên môn vững vàng, am hiểu sâu về pháp luật chuyên ngành; thường xuyên tổ chức hội thảo trong nội bộ cơ quan, trao đổi kinh nghiệm trong công tác thanh tra; cử công chức thanh tra tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do cơ quan cấp trên tổ chức nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các công chức làm công tác thanh tra.

Tăng cường thanh tra tại các doanh nghiệp vận tải, chú trọng tới doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô. Qua công tác thanh tra, cần nằm bắt kịp thời khó khăn do cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp để kiến nghị điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Tiếp đó, cần phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí tuyên truyền. Cùng với việc phổ biến, quán triệt, phân công rõ người, rõ việc nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, thanh tra viên trong công tác thực thi nhiệm vụ; thiết lập trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực GTVT nói chung và giao thông vận tải khách bằng ô tô nói riêng. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị quản lý địa bàn nếu để tồn tại vi phạm trên địa bàn được phân công quản lý.

Đặc biệt, lực lượng thanh tra GTVT phải chủ trì phối hợp với các lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, công an các địa bàn tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý, giải tỏa các tụ điểm vi phạm về kinh doanh và hoạt động kinh doanh vận tải để xử lý triệt để vi phạm. Trường hợp đơn vị, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần có thể kiến nghị rút giấy phép hoạt động…

 

 

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra