Nghệ An: Đôn đốc thực hiện kịp thời, hiệu quả các cuộc thanh tra

Thứ tư, 24/04/2024 12:00
(ThanhtraVietNam) - Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo các tổ chức Thanh tra khẩn trương ban hành kết luận đối với các cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất năm 2023, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2024.
leftcenterrightdel
Ông Chu Thế Huyền, Chánh Thanh tra tỉnh Nghệ An. Ảnh: https://thanhtra.nghean.gov.vn/

Triển khai 177 cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành

Trong ba tháng đầu năm, ngành Thanh tra tỉnh Nghệ An đã triển khai 177 cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành. Công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra sai phạm; đồng thời, cũng hạn chế trùng lặp về đối tượng, nội dung thanh tra.

Cụ thể, toàn ngành Thanh tra tỉnh Nghệ An đã triển khai 80 cuộc thanh tra hành chính (trong đó: kỳ trước chuyển sang 47 cuộc, triển khai trong kỳ 33 cuộc), bao gồm 77 cuộc theo kế hoạch và 03 cuộc đột xuất.

Các tổ chức thanh tra đã ban hành kết luận 36 cuộc tại 77 đơn vị; phát hiện sai phạm 7.889 triệu đồng và 1,913,904 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 22 tổ chức và 64 cá nhân có sai phạm.

Qua việc thực hiện các kết luận thanh tra, cơ quan chức năng đã thu hồi được 9.262 triệu đồng (bao gồm các quyết định thu hồi ban hành từ kỳ trước); đã xử lý khác 1.571 triệu đồng; xử lý hành chính 14 tổ chức và 39 cá nhân có sai phạm.

Đặc biệt, Nghệ An đã thực hiện 29 cuộc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, trong đó, đã ban hành kết luận 5 cuộc tại 17 đơn vị. Qua thanh tra, đã kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 03 tổ chức và 18 cá nhân có sai phạm.

Việc thực hiện các cuộc thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại địa phương, đơn vị được thanh tra, hạn chế đơn thư.

Về công tác thanh tra chuyên ngành, trong ba tháng đầu năm, Nghệ An đã  thực hiện 97 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó, 52 cuộc theo kế hoạch và 45 cuộc đột xuất). Các lĩnh vực được tập trung chủ yếu là: Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, đã ban hành kết luận 17 cuộc đối với 236 tổ chức và 152 cá nhân.

Qua thanh tra chuyên ngành, các cơ quan chức năng phát hiện 136 tổ chức và cá nhân có vi phạm; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 126 triệu đồng. Ban hành 136 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 699 triệu đồng, hiện đã thu được 665 triệu đồng.

Có thể nói, qua hoạt động thanh tra, các cơ quan quản lý nhà nước đã phát huy được vai trò và hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ công tác của mình trong việc kịp thời phát hiện các sai phạm, tồn tại, hạn chế, giúp các đơn vị được thanh tra; kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời kiến nghị xử lý về kinh tế, hành chính theo quy định.

Nâng cao hiệu quả hoạt động, hạn chế các sai sót trong thực thi nhiệm vụ

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế còn tồn tại, trong thời gian tới, các tổ chức thanh tra trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Thanh tra năm 2022; Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Thanh tra và các Nghị quyết của Chính phủ, Thông tư của Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra cho cán bộ, thanh tra viên toàn ngành nhằm nâng cao  chất lượng, hiệu quả hoạt động và hạn chế các sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Thực hiện linh hoạt, sáng tạo, vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra trách nhiệm, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch năm 2024 đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và các cuộc thanh tra đột xuất khi được giao; Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch thanh tra; đảm bảo tiến độ và chất lượng các cuộc thanh tra.

Nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả thanh tra, nhất là tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; thực hiện thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tổ chức, cá nhân, nhất là trên các lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm.

Đẩy mạnh công tác giám sát và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là việc tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.

Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra; không để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra./.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra