Những quy định mới của Luật Thanh tra năm 2022 về việc xây dựng, ban hành kết luận thanh tra

Thứ năm, 09/05/2024 20:57
(ThanhtraVietNam) - Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 đã có những quy định mới về xây dựng, ban hành kết luận thanh tra nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn. Bài viết hệ thống lại một số điểm mới, điểm mấu chốt đáng chú ý về: Thời hạn xây dựng, ban hành kết luận thanh tra; việc lấy ý kiến dự thảo kết luận thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và công khai kết luận thanh tra.

Sơn La: Phát hiện sai phạm trên 4,5 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra

Chuyển cơ quan điều tra dấu hiệu trốn thuế của Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh

Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Phân định hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra theo Luật Thanh tra sửa đổi

Trong những năm qua, trên cơ sở vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Luật Thanh tra, các văn bản quy phạm pháp luật, các hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước đã thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiến hành các cuộc thanh tra theo thẩm quyền. Từ năm 2012 đến năm 2022, toàn ngành Thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai 73.833 cuộc thanh tra hành chính và 2.010.584 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Ngành Thanh tra đã tiến hành thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý quyết liệt, đúng pháp luật nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật, trong đó, việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra  tiếp tục có chuyển biến tích cực và tham mưu, trình cấp có thẩm quyền nhiều cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai, đấu thầu, ... được nêu ra trong kết luận thanh tra. Kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và góp phần tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành kết luận thanh tra tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, tình trạng xây dựng, ban hành kết luận thanh tra thường xuyên chậm trễ ở các ngành, các cấp, chất lượng kết luận thanh tra chưa cao; nhiều kết luận thanh tra đã ban hành nhưng người có thẩm quyền ban hành tự phát hiện có những nội dung trong kết luận thanh tra chưa bảo đảm tính chính xác, kiến nghị chưa phù hợp với quy định của pháp luật,... cần phải sửa đổi, bổ sung. Trong khi đó, Luật Thanh tra năm 2010 chưa có quy định cụ thể việc sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra nên trên thực tế còn vướng mắc, lúng túng, không thống nhất trong thực hiện. Từ đó cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến kết luận thanh tra chậm ban hành, khó khả thi, chưa đáp ứng được tính kịp thời và phù hợp với thực tiễn là do quá trình xây dựng, ban hành kết luận thanh tra chưa được Luật quy định chặt chẽ. Điều này, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kết luận thanh tra, việc xử lý các hành vi vi phạm, hiệu quả thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích vẫn còn thấp.

Qua tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010 cũng chỉ rõ, việc chậm trễ, ban hành kết luận thanh tra không kịp thời là một trong những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân của tình trạng này một phần do Luật Thanh tra chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ về việc ban hành kết luận thanh tra, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do trong thực tiễn thực hiện, cơ quan thanh tra thường xin ý kiến của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dự thảo kết luận thanh tra trước khi ban hành mặc dù Luật Thanh tra năm 2010 không quy định đây là thủ tục bắt buộc. Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chủ động thực hiện một số giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này.

leftcenterrightdel
Ông Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trình bày những điểm mới, điểm mấu chốt của Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. (Ảnh: Trần Huy)

Trên cơ sở những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về công tác thanh tra, yêu cầu xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay, cũng như nâng cao giá trị pháp lý, tính khả thi của kết luận thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 đã có những quy định mới về xây dựng, ban hành kết luận thanh tra nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn; cụ thể như sau:

Về thời hạn xây dựng, ban hành kết luận thanh tra 

Nhằm khắc phục tình trạng chậm chễ trong việc ban hành kết luận thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra (Điều 73 - Điều 79); xác định rõ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra giao Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thanh tra. Thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra được tính từ ngày người ra quyết định thanh tra giao xây dựng dự thảo kết luận thanh tra và được quy định cụ thể theo thẩm quyền của cơ quan thanh tra: “(a) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày; (b) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 20 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày; c) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày”.

Luật cũng quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra. Việc quy định rõ thời hạn ban hành kết luật thanh tra sẽ khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần loại bỏ tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Vấn đề báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra cũng được quy định cụ thể với thời hạn rõ ràng: “Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra”. Đồng thời, Luật bổ sung quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn quy định.

Về việc lấy ý kiến về dự thảo kết luận thanh tra 

Để nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, bảo đảm tính khả thi, khách quan, chính xác, trong quá trình xây dựng dự thảo kết luận thanh tra ngoài việc quy định người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ thêm những vấn đề dự kiến kết luận về nội dung thanh tra, Luật Thanh tra 2022 còn quy định dự thảo kết luận thanh tra phải được gửi đến thành viên khác của Đoàn thanh tra để tham gia ý kiến trước khi trình người ra quyết định thanh tra. Đồng thời, quy định Thành viên khác của Đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung dự thảo kết luận thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung trong kết luận thanh tra trước người ra quyết định thanh tra. Ý kiến bảo lưu được thể hiện bằng văn bản gửi kèm theo dự thảo kết luận thanh tra.

Để khắc phục vấn đề thực tiễn các cơ quan thanh tra thường xin ý kiến của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dự thảo kết luận thanh tra trước khi ban hành, Luật Thanh tra 2022 quy định: “Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Theo đó, các dự thảo kết luận thanh tra không thuộc các trường hợp nêu trên thì không phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, quy định này đã giảm thiểu thủ tục, giúp cho việc xây dựng, banh hành các kết luận thanh tra này thuận lợi, nhanh gọn dễ dàng bảo đảm tiến độ theo quy định.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể quyết định việc xin ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về một hoặc một số nội dung của dự thảo kết luận thanh tra. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được đề nghị có văn bản trả lời về nội dung được xin ý kiến trong thời hạn theo đề nghị của người ra quyết định thanh tra.

Về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

Để bảo đảm kết luận thanh tra được chính xác, khách quan và có tính khả thi, Luật Thanh tra năm 2022 quy định về việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo hướng chỉ bắt buộc đối với các trường hợp thanh tra hành chính ở một số cấp thanh tra, đối với dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành Luật quy định về nguyên tắc để đảm bảo sự linh động, cơ quan tiến hành thanh tra có thể tùy nghi, cân nhắc việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra: “Dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết”. Đồng thời, Luật quy định rõ việc phân công đơn vị, cá nhân thực hiện thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, quy định quyền và trách nhiệm của người thực hiện thẩm định, người ra quyết định thanh tra trong quá trình thẩm định và tiếp thu ý kiến thẩm định.

Về ban hành kết luận thanh tra

Bên cạnh việc quy định rõ thời hạn ban hành kết luận thanh tra, Luật Thanh tra 2022 còn cho phép một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra. Bởi cuộc thanh tra có nhiều nội dung, thì nội dung nào rõ và đủ cơ sở thì kết luận ngay để phục vụ công tác quản lý nhà nước và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác theo quyết định thanh tra. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh sự cần thiết; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý: “Trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận thanh tra đối với các nội dung đã được kiểm tra, xác minh, đủ cơ sở để kết luận và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra. Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước”. Ngoài ra, để khắc phục những vấn đề bất cập trong thực tiễn Luật quy định trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi.

Về công khai kết luận thanh tra

Trên cơ sở kế thừa và quy định cụ thể hơn các quy định của Luật Thanh tra năm 2010 về thời hạn và hình thức công khai kết luận thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 bổ sung quy định: “kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật khác theo quy định của luật”. Đây là điểm mới rất quan trọng, giúp công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động thanh tra. Mặt khác, việc công khai kết luận thanh tra cũng giúp cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn công tác thanh tra cũng như trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Triển khai quy định của Luật, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra quy định kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai; đồng thời quy định với các hình thức công khai đăng tải kết luận thanh tra trên Cổng thông tin điện tử, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc thì thời gian công khai kết luận thanh tra phải được thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục./.

ThS. Trần Ngọc Thạch - ThS. Nguyễn Thị Hồng Thắm, Thanh tra Chính phủ

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra