Đắk Lắk:

Qua thanh tra, kịp thời phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý nghiêm minh

Thứ ba, 23/01/2024 15:00
(ThanhtraVietNam) - Bằng việc tổ chức triển khai hoạt động thanh tra thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó có việc kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của các tổ chức, cá nhân và các đối tượng khác chịu sự quản lý của Nhà nước, các cơ quan thanh tra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã kịp thời phát hiện những sai phạm và kiến nghị các biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng.
leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Thanh tra tại điểm cầu Đắk Lắk. Ảnh: https://thanhtra.daklak.gov.vn/ 

Hoạt động thanh tra thường xuyên và quyết liệt

Với vai trò là cơ quan đầu mối xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm trên địa bàn tỉnh, giúp UBND tỉnh kịp thời xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, Thanh tra tỉnh đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 9594/UBND-NC ngày 07/11/2022 về việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023.

Thông qua việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp được triển khai thường xuyên, kịp thời xử lý chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra tỉnh đã tiến hành xử lý chồng chéo, trùng lắp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 của các cơ quan Thanh tra trong tỉnh. Kết quả là đã xử lý việc thanh tra, kiểm tra trùng lắp đối với 115 doanh nghiệp là đối tượng thanh tra có trùng lắp trong kế hoạch thanh tra năm 2023. Cũng chính nhờ thế, trong năm 2023, địa phương chưa phát hiện việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chồng chéo, trùng lắp.

Trên cơ sở đó, năm 2023, ngành Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra năm 2023 đảm bảo đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu quản lý Nhà nước của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tập trung thanh tra trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã. Các tổ chức thanh tra trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các đoàn thanh tra theo kế hoạch năm 2023 và kịp thời triển khai các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Cụ thể, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai 495 cuộc thanh tra, trong đó: 183 cuộc thanh tra hành chính và 312 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra trong kỳ phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền hơn 23,4 tỷ đồng, sai phạm về đất đai 17,47 ha; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 11,6 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác gần 12 tỷ đồng; kiến nghị xử lý 17,47 ha đất các loại; kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính gần 6 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 45 tổ chức và 154 cá nhân; Kết quả đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 14 tỷ đồng/gần 17,4 tỷ đồng, đạt 80,5 %, đã xử lý khác về kinh tế gần 11 tỷ đồng/gần 12 tỷ đồng, đạt 92,2%, đã tiến hành xử lý hành chính đối với 28 tổ chức và 128 cá nhân, chuyển hồ sơ 02 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Được biết, hoạt động thanh tra hành chính tại địa phương đã tập trung vào các lĩnh vực, vụ việc có nhiều dư luận, nổi cộm, nhất là quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án; quản lý tài chính ngân sách, các khoản đóng góp của người dân... Qua thanh tra, đã phát hiện nhiều vi phạm trong công tác thu, chi, quản lý, sử dụng ngân sách, việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng kinh phí từ nguồn vốn vay, đầu tư xây dựng các công trình, dự án; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.

Hoạt động thanh tra trách nhiệm đối với Thủ trưởng các cấp trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được chủ động triển khai theo kế hoạch. Qua thanh tra, đã chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Nhờ triển khai thường xuyên và quyết liệt, hoạt động thanh tra chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; phát hiện và xử lý hành chính nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực: hành nghề y dược; kinh doanh mạng viễn thông, các phương tiện kinh doanh vận tải, việc cấp giấy phép xây dựng, kinh doanh văn hóa...

Đặc biệt, hoạt động của các cơ quan thanh tra còn phát hiện những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, phát hiện những quy định chưa phù hợp với yêu cầu thực tế khách quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, khắc phục kịp thời. Điều này có ý nghĩa tích cực trong việc củng cố trật tự, kỷ cương hành chính và hoàn thiện cơ chế quản lý của Nhà nước.

Cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng tại Đắk Lắk, công tác thanh tra vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Điển hình như: Một số đoàn thanh tra còn chậm tiến độ, kéo dài; một số cuộc thanh tra còn chậm ban hành kết luận thanh tra do nội dung thanh tra liên quan đến nhiều thời kỳ thanh tra, một số kết luận thanh tra còn kết luận chung chung, chưa xác định sai phạm cụ thể, chưa có đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách còn bất cập. Hoạt động thanh tra chuyên ngành ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý nhà nước, chưa phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật (lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị, quản lý chất lượng các công trình xây dựng, cấp giấy phép xây dựng công trình...). Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra chưa toàn diện, chỉ chú trọng việc đôn đốc, thu hồi tiền, tài sản, chưa chú trọng việc thực hiện xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có vi phạm, chấn chỉnh khắc phục các thiếu sót, vi phạm; một số sở, ngành địa phương còn hạn chế trong thực hiện kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra. Ngoài ra, việc thực hiện chế độ báo cáo của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị dù đã được quan tâm chú trọng thực hiện nhưng thông tin, số liệu vẫn còn thiếu chính xác…, chưa bảo đảm đúng quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ và hướng dẫn của Thanh tra tỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp, đánh giá tình hình công tác trên địa bàn tỉnh và báo cáo cấp có thẩm quyền.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên chủ yếu do một số cuộc thanh tra có nội dung thanh tra phức tạp, thời kỳ thanh tra kéo dài qua nhiều năm nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu, việc thanh tra, xác minh gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm ban hành kết luận thanh tra. Trong khi đó, lực lượng làm công tác thanh tra tại các đơn vị ít, ngoài nhiệm vụ thanh tra còn phải kiêm nhiệm thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác như: Tiếp dân, xử lý đơn thư; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng... nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, quản lý, giám sát các lĩnh vực được giao và đôn đốc thực hiện kiến nghị qua thanh tra.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại trên, trong thời gian tới, các cơ quan thanh tra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất; tăng cường công tác xử lý sau thanh tra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và cơ chế, chính sách; thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đáng chú ý, cần đẩy mạnh tăng cường việc thực hiện kế hoạch thanh tra và xử lý sau thanh tra tại các Sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra.

Đối với Thanh tra chuyên ngành: Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm như: Bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu, xây dựng cơ bản, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch.

Tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, tổ chức thực hiện tốt việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý sau thanh tra đã có hiệu lực pháp luật tại các cơ quan, đơn vị và cá nhân nhằm nâng cáo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đồng thời, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động các Đoàn thanh tra theo quy định./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra