Từ thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ thực vật
Theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP, ngày 06 tháng 5 năm 2016, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng và bảo vệ, kiểm dịch thực vật, thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành được quy định tại Điều 32 và Điều 33. Theo đó, Thanh tra viên nông nghiệp và phát triển nông thôn, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a, c và đ Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục trưởng: Chi cục Kiểm Lâm hoặc Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Thủy sản, Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành: Cục Trồng trọt, Chi cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Thủy sản, Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật được giao nhiệm vụ quản lý giống cây trồng có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 25.000.000 đồng.
Mức phạt tiền lên đến 35 triệu đồng được quy định đối với thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi; trong khi đó, mức phạt tiền 50 triệu đồng được trao cho Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật…
Đến thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực trồng trọt
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định mới số: 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định mới bao gồm rộng hơn (với cả lĩnh vực phân bón và giống cây trồng) với quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt. Các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt được quy định 01 năm. Còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm trong các trường hợp: Vi phạm hành chính về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng; vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng; vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón.
Đáng chú ý, về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, Điều 28 quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về Trồng trọt gồm: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt quy định tại các điều từ Điều 29 đến Điều 35 của Nghị định này; công chức, viên chức trong các cơ quan quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 32 và Điều 33 của Nghị định này được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính về Trồng trọt; người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân quy định tại Điều 31, Điều 34 và Điều 35 của Nghị định này được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính về Trồng trọt. Người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền quy định tại các điều từ Điều 29 đến Điều 35 của Nghị định này ra quyết định xử phạt.
Đối với mức phạt cao nhất theo thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã là: Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về Trồng trọt; Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền: Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về Trồng trọt (trừ phân bón); phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về phân bón; Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền: Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về Trồng trọt (trừ phân bón); phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về phân bón. Đi kèm với đó, UBND các cấp có quyền phạt cảnh cáo, phạt bổ sung, tịch thu tang vật (tùy mức độ từng vi phạm).
Nghị định mới cũng quy định thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an nhân dân; Quản lý thị trường; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển đối với các hành vi vi phạm lĩnh vực trồng trọt.
    |
 |
Thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Accgrop.vn |
Phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành
Đáng chú ý, Điều 36 quy định việc phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch UBND các cấp, Công an nhân dân, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển.
Theo đó, trong thanh tra chuyên ngành nói chung thì thanh tra chuyên ngành về Trồng trọt có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này; thanh tra chuyên ngành đất đai, bao gồm Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành đất đai do Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này.
Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này.
Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt liên quan đến hoạt động sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng, sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón quy định tại các Điều 10, Điều 11, Điều 15, Điều 21, Điều 22 và Điều 23 của Nghị định này.
Hải quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, phân bón và sử dụng quyền của chủ Bằng bảo hộ liên quan đến vật liệu nhân giống của giống cây trồng đã được bảo hộ trong mục đích xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại các Điều 14, Điều 15, điểm e khoản 1 Điều 16, điểm đ, e khoản 2 Điều 17 và Điều 23 của Nghị định này.
Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt được quy định tại các Điều 11, Điều 14, Điều 15, điểm e khoản 1 Điều 16, Điều 22 và Điều 23 của Nghị định.
Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt xảy ra trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, vùng quyền chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại các Điều 11, Điều 14, Điều 15, Điều 22 và Điều 23 của Nghị định này.
Nghị định 31/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2023. Đối với các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý. Trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi đã xảy ra thì áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý.
Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón; Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y để xem xét, giải quyết.
Như vậy, với phạm vi điều chỉnh rộng hơn, Nghị định mới cũng quy định, phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch UBND các cấp, Công an nhân dân, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển. Đây là cơ sở để thúc đẩy các giải pháp quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, phát huy được hiệu lực, hiệu quả thanh tra chuyên ngành./.