Thanh tra, giám sát ngân hàng cần chặt chẽ hơn, phù hợp chuẩn mực quốc tế

Thứ năm, 19/01/2023 15:37
(ThanhtraVietNam) - Để thực hiện 7 nhóm mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát của ngành Ngân hàng trong năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều giải pháp theo chức năng được giao, trong đó rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và hoạt động thanh tra, giám sát, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng…theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế là một trong các nhiệm vụ trọng tâm.

Tăng cường hiệu quả, hiệu lực thanh tra, giám sát

Theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xác định 7 nhóm mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của Ngành trong năm 2023, bao gồm:

Một là, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ trưởng kinh tế hợp lý. Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Hai là, kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ba là, triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%; tập trung triển khai chỉ đạo các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các TCTD này từng bước phục hồi. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD; trong đó tập trung chỉ đạo TCTD tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần giới hạn quy định, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo tại các TCTD. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát đối với các TCTD.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội. Ảnh: Ngô Tân

Bốn là, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Năm là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường trong việc chấp hành chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và các quy định trong hoạt động ngân hàng.

Sáu là, cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Bảy là, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Đảm bảo dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách và chính sách tiền tệ đã đóng góp quan trọng, góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Đó là: góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,15%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (8,02%); tín dụng ước tăng khoảng 14,5%, thanh khoản hệ thống cơ bản được đảm bảo...

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát trên Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; phòng chống rửa tiền.

Triển khai hiệu quả, đúng tiến độ Kế hoạch thanh tra năm 2023 của NHNN.

Hoạt động thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được các yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, cơ cấu lại, xử lý nợ xấu và hỗ trợ TCTD hoạt động an toàn, đúng pháp luật.

Tăng cường phối hợp giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc thực hiện kế hoạch thanh tra. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đầu mối phối hợp, hướng dẫn toàn hệ thống.

Tăng cường công tác giám sát an toàn vi mô và vĩ mô; nâng cao khả năng phát hiện, phân tích, cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa rủi ro, khủng hoảng có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn, ổn định của hệ thống.

Theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng của TCTD, đảm bảo dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; cảnh báo kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm đối với việc cấp tín dụng của các TCTD trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lãi dự thu...

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, giám sát, trong đó chú trọng khai thác có hiệu quả các cơ sở dữ liệu hiện có.

Xử lý nghiêm các TCTD để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, TCTD chậm khắc phục sai phạm. Đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra, giám sát để bảo đảm các TCTD thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý. Công tác thanh tra hành chính tập trung vào việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Chi nhánh NHNN đối với các TCTD.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành ngân hàng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực; triển khai thực hiện Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập trong ngành ngân hàng theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là việc phân tích, xử lý các báo cáo giao dịch đáng ngờ. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng và tội phạm; phòng, chống rửa tiền…

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra