Bộ Tài chính:

Thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề quản lý của ngành Tài chính

Thứ ba, 10/01/2023 11:46
(ThanhtraVietNam) - Bộ Tài chính quán triệt, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề quản lý của ngành Tài chính; đảm bảo quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra và quy định bảo vệ bí mật nhà nước.

Thực hiện 78.607 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 875.720 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra; tích cực trao đổi, phối hợp, nắm thông tin từ các cơ quan liên quan; tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các vấn đề quản lý của ngành tài chính; áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro; tổ chức làm việc, trao đổi thông tin trực tuyến với các bên liên quan, nhưng vẫn đảm bảo quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra và quy định bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo đó, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã quán triệt, thực hiện xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Quyết định của Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2022 được phê duyệt; đồng thời bố trí lực lượng, tổ chức triển khai kịp thời các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ và ngành Tài chính.

Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 78.607 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 875.720 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 78.217 tỷ đồng (trong đó: Kiến nghị thu hồi 18.564,7 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 54.535,9 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 5.116,6 tỷ đồng); số tiền đã thu 11.861,7 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, do có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ đột xuất được giao nên chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng cao, kiến nghị đề xuất mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách của Bộ Tài chính cũng như công tác quản lý tài chính của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

Về cơ bản, công tác thanh tra, kiểm tra năm 2022 đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ đối với các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Triển khai thực hiện đầy đủ quy chế giám sát hoạt động Đoàn thanh tra; Tổ giám sát đoàn thanh tra hoạt động đúng quy định, có hiệu quả, giúp cho việc chấp hành các quy định, quy trình, quy chế đoàn thanh tra được nâng cao, kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ được tăng cường.

Các đoàn thanh tra đã chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục; đảm bảo thời gian và kế hoạch được duyệt; thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra đều chấp hành nghiêm kỷ luật và quy chế. Nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ; hoàn thành đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại như việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 chưa lường trước sự ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 trong đầu năm 2022, bên cạnh đó vẫn có tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm toán, thanh tra phát sinh trong quá trình thực hiện, dẫn đến các đơn vị phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra.

Một số cuộc thanh tra còn chậm lưu hành kết luận thanh tra; nguyên nhân do dự thảo kết luận thanh tra có nhiều nội dung xử lý phức tạp nên còn phải gửi xin ý kiến các đơn vị. Thanh tra Bộ chưa nhận được kết luận thanh tra của một số đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ

Cũng theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra ngành tài chính, Bộ sẽ chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023 đã được phê duyệt; đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo. Các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra, Thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra. Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính chủ động xây dựng phương án triển khai, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng với đó, tổ chức triển khai thực hiện về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo đúng quy định để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra, đảm bảo tính chính xác của kết luận thanh tra.

Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong ngành Tài chính và với các cơ quan chức năng khác như cơ quan Cảnh sát điều tra, Tòa án, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước... phát hiện sớm các trường hợp vi phạm về quản lý tài chính, quản lý tài sản, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Bên cạnh việc tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hải quan và trong toàn ngành; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính, như: kiểm tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành và hệ thống camera giám sát...

Đặc biệt, nhấn mạnh yếu tố nguồn nhân lực, Bộ Tài chính sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới; xử lý nghiêm các hành vi thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu gây phiền hà cho đối tượng thanh tra, cho người dân, doanh nghiệp... tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra