Hưng Yên:

Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

Thứ ba, 05/12/2023 13:43
(ThanhtraVietNam) - UBND tỉnh Hưng Yên vừa mới ban hành Công văn số 3273/UBND-NC về việc thực hiện Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

leftcenterrightdel
Một góc thành phố Hưng Yên. Ảnh minh hoạ: thanhphohungyen.gov.vn 

Tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, xây dựng môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm trong thực hiện trách nhiệm công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền gây hậu quả thì phải kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Kịp thời rà soát, quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền thay thế, điều chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, làm việc cầm chừng, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền theo sát tình hình thực tế, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc; chủ động, tích cực tham mưu và thực hiện kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình phối hợp để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, chỉ lấy ý kiến của các cơ quan liên quan trực tiếp đến đề án, dự án..., không lạm dụng việc lấy ý kiến của các cơ quan cấp trên để né tránh trách nhiệm, không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng hạn, đúng chức năng, nhiệm vụ, có quan điểm, trách nhiệm rõ ràng, không trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc.

Bên cạnh đó, quyết tâm, quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, hiệu quả, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện; thường xuyên rà soát, kiểm tra các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đang thực hiện. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, lãng phí nguồn lực, cơ hội của Nhà nước, xã hội, người dân, doanh nghiệp; không để đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức giải quyết triệt để, dứt điểm phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, tuyệt đối không được đùn đẩy, lòng vòng, né tránh.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm phải có nội dung thanh tra hoạt động công vụ. Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra