Thanh tra các tỉnh Cụm Thi đua số IV:

Thực hiện tốt các phong trào thi đua lớn gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành

Thứ tư, 16/11/2022 15:03
(ThanhtraVietNam) - Năm 2022, công tác thi đua khen thưởng đã được Thanh tra các tỉnh Cụm thi đua số IV gồm các tỉnh Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Kế hoạch tổ chức hoạt động được kịp thời ban hành, trong đó xác định rõ từng nội dung hoạt động, thời gian thực hiện để các đơn vị trong Cụm chủ động thực hiện. Việc tổ chức triển khai phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong toàn ngành.

Trên cơ sở phong trào thi đua do Thanh tra Chính phủ phát động với chủ đề "Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, thích ứng an toàn trong tình hình mới và phong trào thi đua do UBND các tỉnh phát động, Thanh tra các tỉnh Cụm thi đua số IV đã thực hiện nghiêm túc các hoạt động thi đua theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên: Tổ chức phát động phong trào thi đua, tiến hành đăng ký các danh hiệu thi đua và ký kết giao ước thi đua. Ngoài phát động phong trào thi đua thường xuyên, Thanh tra các tỉnh phát động các phong trào thi đua chuyên đề chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử của tỉnh… Việc tổ chức triển khai công tác thi đua, khen thưởng đã được Thanh tra các tỉnh Cụm thi đua số IV quan tâm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm, nội dung các phong trào thi đua yêu nước đã bám sát định hướng của cấp trên, nhiệm vụ chính trị của toàn ngành, của địa phương; các tiêu chí thi đua thiết thực, rõ ràng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, là nguồn cổ vũ động viên các tập thể, cá nhân tiếp tục nỗ lực, cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong năm 2022, Thanh tra các tỉnh Cụm IV đã triển khai thực hiện 1.902 cuộc thanh tra, kiểm tra kinh tế-xã hội với trên 7.539 cá nhân, tổ chức. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm trên 100 tỷ đồng, 49.424 m2 đất; kiến nghị thu hồi vào Ngân sách nhà nước hơn 71.5 tỷ đồng, 9.895 m2 đất; đã thu hồi trên 64.2 tỷ (đạt 89,72% tỷ lệ thu hồi). Ban hành trên 1.510 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý hành chính 36 tổ chức, 453 cá nhân. Kiến nghị địa phương sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhiều quy định, quy chế liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm điểm người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã để xảy ra sai phạm, căn cứ mức độ sai phạm xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.

Thực hiện định hướng năm 2022 của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các tỉnh Cụm IV đã khẩn trương triển khai và kết thúc các cuộc thanh tra về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Test Kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 - một trong những vấn đề bức xúc và đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm chú ý. Kết quả công tác thanh tra đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, phục vụ tích cực phát triển các mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương.

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), Thanh tra các tỉnh trong Cụm đã tiếp 10.565 lượt với 11.377 công dân đến KNTC, kiến nghị và phản ánh. Tiếp nhận tổng số 14.204 đơn thư các loại gồm KNTC, kiến nghị, đề nghị, phản ánh. Số đơn thư đủ điều kiện xử lý là 11.301 đơn thư. Đã tham mưu cho cơ quan hành chính nhà nước các cấp giải quyết 363 đơn KNTC thuộc thẩm quyền, đã giải quyết xong 321 đơn thuộc thẩm quyền (đạt 88,4%).

Bên cạnh đó, Thanh tra các tỉnh trong Cụm thi đua số IV tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung vào công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành; xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng...

Công tác đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cũng được coi trọng nhằm nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt cho cán bộ, công chức phục vụ tốt hơn công tác của ngành. Công tác xây dựng Đảng, Đoàn được tăng cường, luôn hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo thực hiện thành công các phong trào thi đua lập thành tích xây dựng cơ quan văn hóa trong sạch vững mạnh. Không có cán bộ, công chức và người lao động mắc các tệ nạn xã hội, sử dụng, tàng trữ, lưu hành văn hoá phẩm độc hại; tuyên truyền và thực hiện các hành vi mê tín dị đoan. Thực hiện nghiêm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo thanh tra các tỉnh trong Cụm thi đua số IV. Ảnh: thanhtra.langson.gov.vn/

Ngoài ra, Thanh tra các tỉnh cũng tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… duy trì công tác từ thiện, đóng góp các loại quỹ do các tổ chức, đoàn thể trên toàn tỉnh kêu gọi, phát động. Các đơn vị đã duy trì cách làm hay như: chương trình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi gia đình chính sách, chương trình hiến máu tình nguyện, tặng quà cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh Liệt sỹ; giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn ủng hộ giá trị lớn.

Nhìn chung, Lãnh đạo Thanh tra các tỉnh Cụm Thi đua số IV tiếp tục quan tâm, chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua lớn gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, qua đó đã tiếp tục nâng cao nhận thức của công chức và người lao động trong toàn ngành về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của các phong trào thi đua đối với phát triển kinh tế - xã hội; tích cực động viên công chức, người lao động tham gia các phong trào, chương trình, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động bằng nhiều phần việc thiết thực, hiệu quả.

Từ thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua năm 2022 của Cụm Thi đua số IV có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của công chức, người lao động về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng gắn với viêc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, phải xác định được chủ đề, mục đích, ý nghĩa, hình thức, nội dung, tiêu chí của phong trào thi đua. Có phương pháp, định hướng thiết thực, rõ ràng, kiên quyết chống bệnh hình thức; đồng thời gắn nhiệm vụ chung với nhiệm vụ cụ thể, động viên tinh thần kết hợp với khen thưởng vật chất xứng đáng, kịp thời. Đây là cơ sở để thực hiện tốt công tác dân vận trong tình hình mới.

Thứ ba, thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao kiến thức, trình độ đội ngũ công chức chuyên trách về công tác thi đua, khen thưởng để làm tốt công tác tham mưu có hiệu quả. Quan tâm chú trọng nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, coi điển hình tiên tiến là nguồn lực quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.

Thứ tư, việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và kịp thời. Việc xét khen thưởng cần coi trọng chất lượng, không chạy theo hình thức, không chạy theo số lượng.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và giải quyết kịp thời việc KNTC của tổ chức, công dân về thi đua, khen thưởng; tiến hành tốt công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra