Làn da đen bóng, gương mặt gân guốc, những hình xăm trên người ông khiến cho người mới gặp lần đầu có cảm giác hơi sờ sợ, pha chút hồ nghi. Đó là Nguyễn Đăng Được, cư dân lâu năm nhất của xóm nhà bè. Câu chuyện của người đàn ông 63 tuổi này đủ viết thành một tiểu thuyết trường thiên.
Quê ở Quảng Bình, sinh ở Thái Lan, về nước năm 1958, năm 1964 nhập ngũ và vào Nam. Khi các đồng đội hy sinh hết, cơ sở bị vỡ, tìm được đường trở ra Bắc thì mọi thứ giấy tờ đều không còn, Nguyễn Đăng Được kiếm sống quanh chợ Đồng Xuân. Năm 1990, ông dựng lều sống dưới gầm cầu Long Biên và cứu được nhiều người lên cầu quyên sinh, đồng thời vớt hàng chục xác chết trôi sông rồi chôn cất họ ngay trên bãi.
Trên căn nhà nổi đóng bằng thùng phuy và phế liệu, ông Được chung sống với hai bà vợ tuổi mới tứ tuần, một bà tên Hiền, quê ở Tiên Lãng (Hải Phòng), bà kia tên Hoa ở Phúc Thọ (Hà Nội). Họ sống hòa thuận và sinh được bốn đứa con khôi ngô. Hỏi ông, làm thế nào mà có thể cưới hai bà vợ trẻ một lúc thế kia, ông chỉ cười. Đi làm gặp nhau, thương nhau thì về với nhau thôi. Như để chứng minh cho hạnh phúc gia đình mình, ông chỉ vào mấy đứa con: “Chúng nó đã từng được hướng dẫn làm phim. Một đứa còn sắp đi Hàn Quốc để tuyên truyền về sử dụng nước sạch”. Bộ phim tư liệu về cuộc sống của xóm bãi do một nữ thạc sĩ hướng dẫn bọn trẻ thực hiện, còn chuyến đi là do một tổ chức nhân đạo mời.
 |
Tre già măng mọc trên bãi giữa. Ảnh: internet |
Hai đứa con đi học ở một lớp học tình thương vừa mang về hai mươi cân gạo do một tổ chức từ thiện hỗ trợ hàng tháng, nên thùng gạo trong nhà đang đầy. Ngoài ra, không còn gì đáng giá trong nhà ngoài chiếc tivi Samsung đen trắng cũ kỹ và sứt sẹo. “Lấy đâu ra mà sắm hả anh, đi nhặt phế liệu, mỗi ngày kiếm được vài chục nuôi các cháu đã là quí rồi”.
Hàng xóm ông Được là bà Nguyễn Thị Hanh, 72 tuổi, người Mỹ Đức, Hà Tây cũ. Bà lấy chồng người ở Lệ Chi (Gia Lâm, Hà Nội), nhưng nhà chồng không thừa nhận nên phải tha phương kiếm sống ngoài Hà Nội. Năm 1996, chồng chết, từ trên chợ, bà dạt xuống bến sông này và sống cùng con trai tên là Đức Anh làm ở công ty bánh kẹo Hoàng Mai. Anh này đã có vợ là cô Cài, người Hải Hậu (Nam Định) nhưng sinh trưởng ở ngay xóm đò.
“Chúng nó lấy nhau nhưng làm gì có đăng ký kết hôn. Cưới cũng tổ chức ngay ở đây thôi, làm gì có điều kiện mà mở mang như ở trên phố”, bà Hanh nói. Con gái bà là cô Ánh cũng lấy chồng trong xóm và ở một nhà bên.
Trong căn nhà nổi bé tí của bà Hanh, còn có một thanh niên tên Biên làm nghề đánh giày, kết nghĩa với gia đình, cùng chung sống. Trong nhà còn có một cái ban thờ với ảnh của hai người đàn ông. “Bố chồng tôi với lại chồng tôi đấy. Tôi không biết mặt bố chồng vì ông cụ chết trước khi chúng tôi lấy nhau, có cái ảnh này thì phóng to để thờ vì chồng tôi là trưởng”.
“Hầu hết họ là những trường hợp rổ rá cạp lại. Mỗi người mỗi hoàn cảnh. Được cái ở đấy họ thương yêu nhau và chưa để xảy ra chuyện gì phức tạp, dù chúng tôi chưa làm đăng ký kết hôn hay khai sinh, khai tử cho một người nào” - bà Lê Thị Bích Hoài, Phó chủ tịch phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho hay. Lời bà nói làm tôi nhớ đến hai đứa nhỏ một trai một gái nhưng đứa họ Hoàng, đứa họ Nguyễn. Chúng là con của cặp vợ chồng trẻ gốc gác ở phố Hàng Buồm, nay dựng nhà dưới bãi và sống bằng một quán nước nhỏ trên cầu Long Biên. Sự nhạy cảm khiến tôi chẳng dám hỏi vì sợ động chạm vào những điều riêng tư của họ....
 |
Rất gần với sự tráng lệ này (Khách sạn Sheraton)… Ảnh: internet |
 |
…là một thế giới khác đối lập.... Ảnh: internet |
Một trong những buổi đêm lang thang ở bãi sông Hồng, tôi gặp một cặp vợ chồng đang lom khom bới đất tra hạt ngô giống. Thấy tôi dừng xe nhưng không tắt đèn để chụp bức ảnh đăng kèm với bài viết này, họ bảo: "Thôi đi đi bác ơi, chói mắt không nhìn thấy gì đâu. Chúng tôi làm trong bóng tối quen rồi!".
Nhà nào cũng có một ngọn đèn tiết kiệm điện giắt trên mái gianh, khá thì có một chiếc vô tuyến đen trắng như cách gọi của một thời bao cấp. Vô tuyến đen trắng thì mới dùng được điện 12 vôn. Một chiếc bình ắc quy nhỏ, dung tích khoảng 80 ampe/giờ ô tô thải ra, nếu còn tốt có thể dùng thắp sáng một ngọn đèn và chiếc vô tuyến đen trắng trong vòng khoảng một tuần đến mười ngày. Hết điện lại mang sang bãi Phúc Xá, ở đó có dịch vụ sạc điện với giá 10 nghìn đồng/bình. Không ai dám dùng vô tuyến màu vì nếu dùng bộ kích điện, bình sẽ cạn rất nhanh.
Tiền đã tốn, khuân chiếc bình điện nặng trịch sang bên kia sông cũng vất vả nên người dân xóm đò chỉ bật đèn và vô tuyến khi trời đã tối hẳn. Chừng nào chưa đi ngủ và không có phim hay trên vô tuyến, bà con trải chiếu ngồi trên bãi cỏ ngắm cầu Long Biên, cầu Chương Dương sáng choang. Đối diện là khách sạn Sofitel Plaza và Sheraton lấp lánh. Ngồi cùng họ lúc ấy, tôi nghe tiếng cuốc kêu khắc khoải trong lau lách trên bãi, tiếng cá quẫy đuôi dưới sông, nhưng không thể đọc được hết những buồn vui của người dân xóm nhà bè...
Một tối khác, cửa nhà của vợ chồng nhà Hòa – Liên ở ngay đầu xóm đóng im ỉm, chắc hai vợ chồng đã đi chợ đêm. Trong nhà vẫn có tiếng trẻ. Tôi lần đến bên cửa sổ, hai đứa bé 11 và 6 tuổi tên là Bằng và Linh đang chí chóe. Nhà tối đen, bố mẹ bảo hai anh em đi ngủ sớm vì vô tuyến hôm nay không có phim hay, nhưng được bật quạt cho mát.
Trước đây hai năm, người xóm bè dùng nước sông đánh phèn. Nay họ đã có hai cái giếng khoan và hệ thống lọc nước đơn giản. Tôi nếm thử nước giếng, nó rất tanh mùi sắt. Dù đã được lọc, cốc nước chè mà ông Được mời tôi uống vẫn nhạt nhẽo vì dù có đun sôi vẫn không chín chè. Ông bố trẻ tên Hòa nói rằng hàng ngày anh vẫn phải chở can đi xin nước ăn trên phố, còn tắm thì bố con nhảy xuống sông. Chỉ thương là thương mẹ Liên, phụ nữ mà không có nước sạch thì khổ.
Điều có thể làm nhiều người bất ngờ nhất là trong khó khăn và gần với tệ nạn như thế, nhưng hơn trăm người dân xóm đò không ai mắc vào tệ nạn. “Đó là niềm tự hào của chúng tôi, đói cho sạch, rách cho thơm, con cái chúng tôi cháu nào cũng nhớ câu ấy”, ông Được nói. Nhà nào đánh rơi cái nồi cái chậu xuống sông, nhà khác nhặt được sẽ đem trả lại. Ngay cả ngô của người dân Ngọc Thụy trồng trên bãi cũng không bao giờ bị trẻ con trong xóm bẻ một bắp.
 |
Phương tiện di chuyển chủ yếu của cư dân bãi giữa là xe đạp. Ảnh: internet |
Xóm có 6 chiếc xe máy và nhiều xe đạp. Nhưng điều lạ lùng là tất cả đều được để trên bãi suốt đêm chứ không mang xuống đò. Anh Trần Đức Huân, một thanh niên xóm bè làm nghề xe ôm gặp tôi bên con đường mòn trên bãi nói: “Xe Dream Tàu của em đi về chỉ cần dựng vào gốc cây dâu kia. Kẻ trộm xuống đây cũng không dám lấy vì dân rất đoàn kết. Với lại nhà nào cũng nuôi chó. Như nhà em có hẳn ba con. Đêm có trộm, chó sủa, cả xóm ùa ra thì có chạy đằng trời”.
Chuyện nghe tận tai nhưng vẫn cảm thấy khó tin, tôi đi hỏi thiếu úy Nguyễn Ngọc Đông, cán bộ công an phường Ngọc Thụy phụ trách khu vực. “Em được phân công địa bàn một năm nay, ra đấy một tuần ba bốn lần. Chưa có một vụ việc gì cả. Ai nói bãi giữa có trộm cắp, tệ nạn, ma túy là oan cho họ, nếu có chỉ là nơi khác xuống đấy chích hút rồi đi thôi”…
Lưu Quang Phổ - Thanhnien.com.vn