Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với toàn xã hội

Thứ tư, 22/04/2020 07:26
Đa số ý kiến tán thành với việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường một cách toàn diện, trong đó cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của của toàn xã hội trong bảo vệ môi trường chứ không chỉ có cơ quan quản lý nhà nước.

Chiều 21/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/6/2014 tại Kỳ họp thứ 7 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Ảnh: Quang Khánh.

Quá trình thực hiện cho thấy bên cạnh 07 nhóm chính sách đã được đề xuất, còn 06 nhóm chính sách khác cũng cần được bổ sung để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giải quyết các vấn đề môi trường đặt ra trong quá trình hội nhập, qua đó đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện đạo luật về bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động. Trong đó, đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 - 85 ngày…

Phát biểu tại Phiên họp, đề cập đến 3 trụ cột để Việt Nam phát triển bền vững, đó là kinh tế, xã hội và môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, vấn đề bảo vệ môi trường rất quan trọng, bởi vậy Luật Bảo vệ môi trường cần giải quyết những bất cập và đưa vào những quy định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, bảo đảm tính khả thi.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế nhưng những quy định tiêu chuẩn môi trường đặt ra cũng không được gây cản trở phát triển kinh tế.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bổ sung quan điểm xây dựng Luật cần thể chế hoá Điều 43 Hiến pháp 2013 “mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của của mọi người trong bảo vệ môi trường chứ không chỉ có cơ quan quản lý nhà nước.

Về quy định mức chi tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tăng tỷ lệ chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường là rất cần thiết. Song, lưu ý cơ sở nào để xác định là 2% trên tổng chi ngân sách phải làm rõ để báo cáo Quốc hội.

Nhấn mạnh đây là một sự án luật quan trọng, có tính thời sự và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện dự án Luật Bảo vệ môi trường để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng nhất là về bảo vệ môi trường là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, có nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường mới phát sinh trong thực tiễn hiện nay mà Luật hiện hành chưa có đủ cơ sở để xử lý như trong một số sự cố môi trường lớn thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ sự nghiệp bảo vệ môi trường không chỉ của Nhà nước mà của toàn dân, toàn xã hội và quan điểm, tư duy này cần được thể hiện trong Luật.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, dự án Luật còn nặng về quản lý môi trường, trong khi đó vấn đề cốt lõi trong môi trường là nhận thức của bộ máy quản lý đến xã hội, người dân. Do đó, việc sửa đổi toàn diện Luật này cần đặt ra yêu cầu tạo nhận thức của xã hội trong toàn bộ hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh, các bộ, ngành chứ không chỉ về quản lý nhà nước; bảo đảm hài hoà giữa lợi ích bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị nâng mức xử phạt đối với những vi phạm về môi trường để đảm bảo tính răn đe…/.

Theo Thu Hằng/Dangcongsan.vn


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra