Năm 2023 đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật
Nghị quyết của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, năm 2023, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chương trình, kế hoạch công tác, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Năm 2023, ngành Thanh tra đã hoàn thành kế hoạch thanh tra và các cuộc thanh tra đột xuất được cấp có thẩm quyền giao. Trong đó, luôn chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra còn chậm. Toàn Ngành đã triển khai 7689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực, phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỷ đồng, 616 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi 188.607 tỷ đồng và 166 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 69.096 tỷ đồng, 451 ha đất; ban hành 126.158 quyết đĩnh xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 6452 tỷ đồng, kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 7524 tập thể và 7944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng. Toàn ngành cũng đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8691 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, tỷ lệ thu hồi đạt 64,1%; việc thực hiện các kiến nghị tại các kết luận thanh tra đạt tỷ lệ 72,6%.
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, mặc dù tình hình có tăng so với năm 2022 tại một số địa phương tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trực tiếp tham mưu, giúp việc là ngành Thanh tra, tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tiếp tục duy trì ở mức cao (88,4%).
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp. Năm 2023, Thanh tra Chính phủ tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 và thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ mới và khó, nhất là công tác kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý và chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như xây dựng thể chế, việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cũng được Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra chú trọng thực hiện, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
|
|
Toàn cảnh một Hội nghị của Đảng bộ Thanh tra Chính phủ |
Quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024
Nhận định năm 2024 là năm “nước rút” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2026 và dự báo tình hình tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tậm như sau:
Một là, về công tác thanh tra, bám sát Định hướng chương trình thanh tra năm 2023, yêu cầu, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính và tình hình thực tế để triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra và nhiệm vụ được giao đột xuất, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Hai là, về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham mưu thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, nhất là tại các địa phương phía Nam và khu vực miền Trung Tây Nguyên có khiếu kiện liên quan đến nông – lầm trường quốc doanh.
Thứ ba, về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp giao về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 và Kế hoạch thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, tăng cường triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển ngay sang cơ quan điều tra xử lý.
Thứ tư, về công tác xây dựng thể chế và xây dựng ngành, cần thường xuyên rà soát để hoàn thiện thế chế đối với các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của ngành Thanh tra; tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho cán bộ ngành Thanh tra để cán bộ yên tâm, giữ vững lòng tin, bản lĩnh chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ năm, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân và toàn xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Thanh tra Chính phủ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra trong năm 2024./.