Bà Dương Thị Hồng Thảo (thôn Tây Yên, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh - Quảng Nam) bức xúc: “Đất vườn và nhà ở của gia đình tôi trị giá gần 300 triệu đồng mà họ chỉ đền bù và hỗ trợ 83 triệu đồng. Trong khi đơn khiếu nại của chúng tôi chưa được giải quyết, đơn vị thi công đã ngang nhiên tổ chức kéo đường dây điện cao thế qua nhà”.
 |
Chưa bồi thường thỏa đáng nhưng Ban Quản lý Các công trình điện miền Trung đã thi công lưới điện qua nhà dân |
Ép dân vào “chuyện đã rồi”?
Lúc 14 giờ ngày 24-8, đơn vị thi công của Ban Quản lý Các công trình điện miền Trung ồ ạt đưa thiết bị và hàng chục công nhân đến thôn Tây Yên xây lắp đường dây điện 220 KV tuyến Sông Tranh 2 - Tam Kỳ. Những người dân có nhà nằm dưới đường dây 220 KV này kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
Theo một số người dân, sở dĩ họ chưa giao mặt bằng cho đơn vị thi công là vì giá đền bù, hỗ trợ quá thấp nên họ không đủ điều kiện di dời đi nơi khác. Tuy nhiên, những ngày qua, bên cạnh việc rải dây chuẩn bị kéo ngang qua nhà dân, Ban Quản lý Các công trình điện miền Trung còn gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị của những người dân có nhà nằm dưới đường dây này cho rằng họ cản trở thi công công trình điện.
Bà Thảo bức xúc: “Gia đình tôi chấp nhận chịu thiệt một phần để ủng hộ việc kéo đường dây 220 KV nhưng việc gì cũng phải có tình, có lý. Trước khi kéo điện ngang qua nhà, họ cũng không thèm nói với chúng tôi một tiếng”. Nhiều người khác cho biết đơn vị thi công cố tình lắp đặt đường dây trong khi chưa thỏa thuận bồi thường mặt bằng với dân nhằm để xem như... “chuyện đã rồi”.
Quá nguy hiểm!
Hầu hết hộ dân còn vướng mắc trong chuyện đền bù, giải tỏa trong hành lang thi công tuyến 220 KV Sông Tranh 2 - Tam Kỳ (đoạn qua các xã Tam Dân và Tam Đàn, huyện Phú Ninh) đều cho rằng cơ quan chức năng áp giá bồi thường quá thấp, chỉ 60.000 đồng/m2, trong khi huyện Phú Ninh khai thác quỹ đất cùng khu vực với giá khởi điểm gấp 3-4 lần.
Mặt khác, nhà ở của họ không đáp ứng được những điều kiện trong Nghị định 81/2009/NĐ-CP, bởi nghị định này nêu rõ: “Trong hành lang an toàn lưới điện điện áp đến 220 KV, nhà ở, công trình không phải di dời khỏi hành lang an toàn lưới điện nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy; các kết cấu kim loại của nhà ở, công trình phải được nối đất theo quy định về kỹ thuật nối đất...”.
Theo người dân, Ban Quản lý Các công trình điện miền Trung đã bất chấp nguy hiểm xảy ra cho người dân, không chịu bồi thường thỏa đáng để di dời dân nhằm giải tỏa trắng an toàn hành lang lưới điện 220 KV. Nếu người dân chấp nhận ở dưới đường dây 220 KV này thì rất nguy hiểm và muốn xây thêm tầng cũng không được.
Việc thi công đường dây điện 220 KV Sông Tranh 2 - Tam Kỳ đang rất cấp bách, vì ngày 31-8, Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 thả roto tổ máy số 1 và chuẩn bị phát điện trong thời gian tới. Chính việc địa phương áp dụng máy móc Nghị định 81/2009/NĐ-CP, đơn vị thi công hành xử nóng vội nên đã làm cho người dân phản ứng quyết liệt, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Không đúng quy định pháp luật
Theo UBND huyện Phú Ninh, công trình đường dây điện 220 KV Sông Tranh 2 - Tam Kỳ ảnh hưởng đến 212 hộ dân tại hai xã Tam Dân và Tam Đàn, hiện còn 11 hộ nằm ngay dưới lưới điện chưa được giải tỏa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, ông Huỳnh Tấn Đức, khẳng định: “Khi các bên còn đang tranh chấp và huyện cũng chưa có văn bản bàn giao mặt bằng cho bên thi công mà bên thi công ồ ạt lắp đặt lưới điện qua nhà người dân là không đúng quy định của pháp luật”. |
Nhi Ly – nld.com.vn