Theo tình hình thực tế, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay ở nước ta thì Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành không còn đáp ứng yêu cầu thực tiến đặt ra, nên việc tách Luật Khiếu nại, tố cáo ra thành 2 luật (luật Khiếu nại và Tố cáo) là điều hợp lý. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Khiếu nại lần này hướng chủ đạo là theo tinh thần “bảo vệ tối đa quyền lợi của Người khiếu nại trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại” Ban soạn thảo đã xây dựng một dự thảo với những quy định “rất mở” cho quyền của người khiếu nại.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Dự thảo “khi có căn cứ cho rằng, Quyết định hành chính (QĐHC), Hành vi hành chính (HVHC) là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại yêu cầu người có QĐHC, HVHC xem xét lại QĐHC, HVHC đó hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định pháp luật về tố tụng hành chính.”
Như vậy ở đây, người khiếu nại được quyền lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết, hình thức thứ nhất là yêu cầu người có QĐHC, HVHC xem xét lại QĐHC, HVHC; hình thức thứ hai là người khiếu nại có quyền khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục Tố tụng hành chính ngay lần đầu khi phát hiện mình bị xâm phạm về quyền, lợi ích hợp pháp, đây chính là vấn đề “mở” đối với quyền của người khiếu nại. Theo quy định cũ, người khiếu nại chỉ có quyền khởi kiện ra Tòa hành chính khi đã qua thủ tục “Tiền tố tụng” nhưng giờ đây họ có quyền được lựa chọn hình thức khởi kiện bất kỳ giai đoạn nào của quá trình khiếu nại. Rõ ràng đây là điều mà người khiếu nại mong muốn, trước đây có rất nhiều vụ việc khiếu nại kéo dài, tràn lan, vượt cấp,...do chính bản thân người khiếu nại cũng không thể hiểu hết được những trình tự thủ tục trong luật Khiếu nại, tố cáo vì vậy việc người khiếu nại sẽ lựa chọn hình thức khiếu nại thứ 2 là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu như trong tương lai người khiếu nại lựa chọn hình thức 2 để bảo vệ quyền lợi của mình thì liệu Luật Khiếu nại này có phát huy được hết tác dụng hay không? hay là chỉ dừng lại ở một Luật mà bản chất hoàn toàn trái ngược với vốn có của nó?
Thành viên trong ban soạn thảo cho rằng việc xây dựng những quy định mở như này là đáp ứng mục đích “bảo vệ quyền lợi của người khiếu nại một cách tối đa” và nếu như Luật khiếu nai được thông qua, điều khoản này được giữ nguyên thì theo Ông người khiếu nại có khả năng chọn hình thức 1 (yêu cầu người có QĐHC, HVHC xem xét lại QĐHC, HVHC của mình) là cao hơn vì: từ trước đến nay tâm lý người dân “ngại ra Tòa”, mức Án phí cao. Đây là một lời giải thích có thiên hướng chủ quan.
Từ khi Luật khiếu nại, tố cáo ban hành (năm 1998) và được sửa đổi, bổ sung năm 2004,2005 đến nay qua thực tiễn công tác giải quyết vẫn nhiều còn vụ việc khiếu nại vượt cấp, dai rẳng, kéo dài,... người dân phải đi hết câp này đến cấp khác chính vì vậy dần đánh mất lòng tin của nhân dân.
Hiện nay Tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng Dự án luật Tố tụng hành chính để thay thế cho “Pháp lệnh giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 1998” theo Dự án này thì việc giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án được đổi mới mạnh mẽ. Như việc Luật sư tham gia tại phiên tòa hành chính sẽ được phát huy tối đa giống như ở thủ tục Tố tụng Hình sự nên vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật và người khiếu nại sẽ được an toàn khi có người bảo vệ.
Chính vì những lý do trên, trong tương nai có thể người khiếu nại sẽ đòi lại quyền lợi của mình bằng khởi kiện ngay ra Tòa hành chính chứ không cần phải sử dụng theo trình tự Khiếu nại nữa. Nếu như vậy, Khi đó thủ tục Tố tụng hành chính được phát huy tối đa còn Luật Khiếu nại chỉ dừng lại ở đó. Vì vậy việc xây dưng luât Khiếu nại không còn phát huy được hết tác dụng, không có ý nghĩa lớn trong công cuộc giải quyết khiếu nại. Đây là vấn đề có thể thấy trước dựa trên một số cơ sở thực tại hiện nay. Nhưng thiết nghĩ việc xây dựng một Đạo luật cũng tốn nhiều công sức khi đặt ra những quy định cần phải điều chỉnh hết được những trường hợp sẽ xảy ra sau khi ban hành. Hiện nay, công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và nhà nước ta chính vì vậy trong thời gian quan Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng một số Dự án Luật để góp phần là cơ sở pháp lý quan trọng giải quyết vấn đề thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Nhưng một Đạo luật xây dựng xong không phải chỉ để sử dụng một hoặc hai năm sau đó sửa đổi, bổ sung mà nó cần được sử dụng ổn định, lâu dài nên việc xây dựng luật găn với nguyên tắc thống nhất với các nguồn luật khác và đảm bảo thực tiễn áp dụng là hết sức quan trọng.
Quang Vững