Thực hiện nghiêm việc chống lãng phí, có giải pháp đồng bộ, đột phá tiếp sức cho doanh nghiệp

Thứ ba, 05/11/2024 08:25
Ngày 4 tháng 11, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận về 4 nội dung, trong đó có đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đánh giá cao những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2024, song các đại biểu cũng thẳng thắn đề nghị Chính phủ cần triển khai các giải pháp đồng bộ, đột phá để tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là thực hiện hiệu quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh xảy ra lãng phí về nguồn lực.
leftcenterrightdel
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu 

Chú trọng các động lực tăng trưởng, tiếp sức cho doanh nghiệp

Trong một ngày diễn ra phiên thảo luận, đã có 59 ĐBQH tham gia phát biểu trực tiếp tại Hội trường. Trước đó, tại các phiên thảo luận tổ đã có 308 lượt ý kiến đại biểu phát biểu. Bày tỏ đồng tình cao với nội dung báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đa số các đại biểu nhất trí cho rằng, trong một thế giới nhiều bất ổn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát liên tục tăng cao trong 3 năm qua, thì Việt Nam tiếp tục nổi lên nhiều "điểm sáng" rất đáng trân trọng.

Đó là chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, đặc biệt chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc và đứng thứ 17/194 quốc gia. Chúng ta tiếp tục duy trì ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Lạm phát được kiểm soát tốt liên tục trong 10 năm qua, bình quân từ năm 2015 đến nay chỉ số này được kiểm soát ở mức 3%. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư và xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay. Nợ công trên GDP được kéo giảm, tạo dư địa để chúng ta tiếp tục đầu tư các dự án lớn. Kinh tế tăng trưởng khá, ước cả năm 2024 đạt khoảng 7% và phấn đấu hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho cả năm.

Đây là những tiền đề và động lực quan trọng để đất nước bước vào năm 2025 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đánh dấu bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhấn mạnh đến bối cảnh tình hình nêu trên, đa số đại biểu bày tỏ đồng tình cao với nội dung báo cáo của Chính phủ, trong đó có mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt, nhiều đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ xác định tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn từ 7 - 7,5% cũng như 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra cho năm 2025.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên liên quan đến ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài việc là khuyến khích phát triển các động lực mới, như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn..., thì cần "đánh thức", phát triển 3 động lực nội sinh là: khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. "Đây là những thế mạnh của Việt Nam có được từ đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội, điều kiện thiên nhiên...". Khẳng định điều này, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ, "ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước, do đó, rất mong Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa...".

Bên cạnh những nỗ lực rất lớn và kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn đi sâu phân tích một số tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ, đòi hỏi cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong khâu tổ chức thực hiện.

Một trong những tồn tại đó là việc giải ngân vốn đầu tư công có tiến triển tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm nay đã có hơn 163 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2019 trên tổng số doanh nghiệp tham gia thị trường. Tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm, song giá vàng liên tục tăng. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn hạn chế...

Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân, từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển.

Thực tế, theo ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng), các doanh nghiệp vẫn than phiền về những rủi ro gặp phải ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, đó là những điều kiện kinh doanh hay các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khó thực thi. Hệ quả của tình trạng này là tạo ra nhiều rào cản, phát sinh nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp, như gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, phát sinh chi phí không chính thức... Điều này dẫn đến doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí hủy bỏ kế hoạch kinh doanh, gây lãng phí cả về thời gian, nguồn lực và cơ hội kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp Việt Nam "chậm lớn" trong thời gian qua.

Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm, dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước. Dẫn ra ví dụ cụ thể này, đại biểu Lã Thanh Tân nêu rõ, đây chính là sự đổi mới công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm quản lý nhà nước, vừa khơi thông nguồn lực để phát triển và quyết tâm từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" và "phòng, chống lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật" theo tinh thần định hướng của Trung ương, đồng thời cũng cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là có thể thực hiện được.

Mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn. Chỉ rõ điều này, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, cùng với các giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai, thì doanh nghiệp, doanh nhân đang rất cần các giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá, khích lệ, đồng hành của Nhà nước. Sự đổi mới theo hướng đó sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp, tham gia vào thị trường.

Với quan điểm như vậy, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị: Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có biện pháp xử lý, tháo gỡ rào cản về thể chế, các điều kiện kinh doanh. Trong đó, "cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được quy định trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư năm 2020, đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu 

Chống lãng phí thành công như chống tham nhũng, đất nước nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới

Một trong những chủ đề được nhiều đại biểu đề cập, phân tích trong phiên thảo luận hôm nay, đó là nội dung liên quan đến công tác phòng, chống lãng phí mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập trong bài viết "Chống lãng phí" mới đây.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu tập trung phân tích sự lãng phí về nguồn lực của xã hội, của đất nước trong các "dự án trùm mền, công trình đắp chiếu" hiện nay trên phạm vi cả nước. Trong đó, có những dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành; hàng nghìn, hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống hoặc xây dựng dở dang, "trơ gan cùng tuế nguyệt"; hay các công trình dự án xây dựng hàng chục năm nhưng vẫn chưa xong...

Cho rằng, đây là một nội dung không mới vì hàng năm Quốc hội đều thảo luận, đánh giá về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), thì "chống lãng phí" cũng không bao giờ cũ vì luôn mang tính thời sự, được xác định là một lực cản đối với sự phát triển của đất nước. Như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Người chỉ rõ tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì rất phổ biến.

Liên hệ với tình hình hiện nay, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu rõ, đến nay chúng ta chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ về sự lãng phí nêu trên, nhưng "theo tôi con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng". Và, đây mới chỉ là con số về mặt tài chính, ngoài ra còn là những lãng phí hệ lụy, như lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước... thì không đo đếm hết và trước hết đó là lãng phí niềm tin của nhân dân.

Đề cập đến khía cạnh chống lãng phí trong bộ máy công quyền, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu rõ, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác chống lãng phí. Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát này liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí.

Đặc biệt, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề "Chống lãng phí" đã "đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng". Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.

Tập trung phân tích về nguyên nhân của tình trạng lãng phí, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu một số nguyên nhân chủ yếu. Trong đó, có nguyên nhân còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. "Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội", đại biểu Mai Thị Phương Hoa chỉ rõ.

Bên cạnh đó, còn có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả, nhưng trên thực tế đó còn là sự lãng phí về cơ hội và thời gian. Và, đây là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người, khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại. Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định, là thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy trong công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương và đất nước.

Một nguyên nhân nữa, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đó là bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động. Tuy nhiên, do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, không tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục nên một số dự án đã đem lại hiệu quả không mong muốn. Vừa qua, một số dự án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "điểm mặt, chỉ tên" là những dẫn chứng cụ thể nhất.

Với nguyên nhân về pháp luật, đại biểu Mai Thị Phương Hoa chỉ rõ, chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu và việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở, có 2 điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí là Điều 179 (tội thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) và Điều 219 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Song trên thực tế, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác, như tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng... Với cách xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao, đại biểu Mai Thị Phương Hoa thẳng thắn.

"Trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm có nêu, để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực, chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, thì công tác phòng, chống lãng phí cần phải triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu rõ.

Như tin tưởng và kỳ vọng của đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng như nhiều đại biểu khác, đó là "nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới".

Theo Daibieunhandan.vn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra