Đắk Lắk:

Thực hiện đúng định hướng công tác của ngành Thanh tra

Thứ hai, 31/07/2023 07:00
(ThanhtraVietNam) - Từ đầu năm đến nay, ngành Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra năm 2023 đảm bảo đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu quản lý Nhà nước của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tập trung thanh tra trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã và kịp thời triển khai các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Triển khai 170 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế 4.335 triệu đồng

Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai 170 cuộc thanh tra, trong đó: 98 cuộc thanh tra hành chính và 72 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra trong kỳ phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền 4.335 triệu đồng; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 1.147 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác 3.188 triệu đồng; kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 1.649 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 08 tổ chức và 29 cá nhân; Kết quả đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước 2.402 triệu đồng, đã xử lý khác về kinh tế 3.188 triệu đồng, đã tiến hành xử lý hành chính đối với 04 tổ chức và 15 cá nhân.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Minh Huấn, tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: K. Dung

Hoạt động thanh tra hành chính đã tập trung vào các lĩnh vực, vụ việc có nhiều dư luận, nổi cộm, nhất là quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án; quản lý tài chính ngân sách, các khoản đóng góp của người dân... Qua thanh tra, đã phát hiện nhiều vi phạm trong công tác thu, chi, quản lý, sử dụng ngân sách, việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng kinh phí từ nguồn vốn vay, đầu tư xây dựng các công trình, dự án; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.

Hoạt động thanh tra trách nhiệm đối với Thủ trưởng các cấp trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được chủ động triển khai theo kế hoạch. Theo đó, Đắk Lắk đã triển khai 26 cuộc thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; đã kết luận 14 cuộc tại 14 đơn vị và 14 kết luận này đều đã được các đơn vị có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành. Qua thanh tra cho thấy, thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện tương đối tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, các đơn vị vẫn còn một số tồn tại, khuyết điểm như: Một số đoàn thanh tra còn chậm tiến độ, kéo dài; một số cuộc thanh tra còn chậm ban hành kết luận thanh tra do nội dung thanh tra liên quan đến nhiều thời kỳ thanh tra; việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm so với thời hạn quy định; chất lượng giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; một số đơn vị chưa kịp thời chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định. Qua đó, đã kịp thời kiến nghị thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được triển khai thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; phát hiện và xử lý hành chính nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực. Trong kỳ, Thanh tra các sở, ban, ngành và các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đã triển khai 72 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó 03 cuộc thường xuyên, 56 cuộc theo kế hoạch và 13 cuộc thanh tra đột xuất trên các lĩnh vực.

Qua Thanh tra, kiểm tra tại 828 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã phát hiện 181 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có vi phạm, sai phạm trong hoạt động vận chuyển hành khách, tổ chức và hành nghề luật sư, xác nhận không đúng nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, cho thuê đất sai quy định, cấp giấy CNQSDĐ sai quy định, vi phạm về vận chuyển hành khách, kinh doanh y dược …

Các cơ quan chức năng đã xác định vi phạm về kinh tế với tổng số tiền vi phạm 900 triệu đồng; kiến nghị, thu hồi nộp ngân sách nhà nước với số tiền 02 triệu đồng và xử lý khác 898 triệu đồng (đạt tỷ lệ 100%); ban hành 181 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân sai phạm với tổng số tiền 1.649 triệu đồng (hiện các đơn vị, cá nhân có sai phạm đã chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước 1.594 /1.649 triệu đồng, đạt 96,6%, chưa nộp ngân sách nhà nước 55 triệu đồng, chiếm 3,4%.)

Đáng chú ý, việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp được triển khai thường xuyên, kịp thời xử lý chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thanh tra tỉnh đã tiến hành xử lý chồng chéo, trùng lắp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 của các cơ quan Thanh tra trong tỉnh. Kết quả đã xử lý việc thanh tra, kiểm tra trùng lắp đối với 115 doanh nghiệp là đối tượng thanh tra có trùng lắp trong kế hoạch thanh tra năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2023 chưa phát hiện việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chồng chéo, trùng lắp.

Chưa chú trọng xử lý trách nhiệm, chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót, vi phạm

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác thanh tra, nhưng trong phạm vi toàn ngành, địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể là: Một số đoàn thanh tra còn chậm tiến độ, kéo dài; một số cuộc thanh tra còn chậm ban hành kết luận thanh tra do nội dung thanh tra liên quan đến nhiều thời kỳ thanh tra, một số kết luận thanh tra còn kết luận chung chung, chưa xác định sai phạm cụ thể, chưa có đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách còn bất cập. Hoạt động thanh tra chuyên ngành ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý nhà nước, chưa phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật (lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị, quản lý chất lượng các công trình xây dựng, cấp giấy phép xây dựng công trình...). Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra chưa toàn diện, chỉ chú trọng việc đôn đốc, thu hồi tiền, tài sản, chưa chú trọng việc thực hiện xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có vi phạm, chấn chỉnh khắc phục các thiếu sót, vi phạm; một số sở, ngành, huyện, thành phố còn hạn chế trong thực hiện kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra. Việc triển khai báo cáo công tác thanh tra theo hướng dẫn của Thông tư số 02/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ chưa được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm đúng mức; số liệu báo cáo còn sơ sài, thực hiện biểu mẫu chưa đúng quy định, gây khó khăn trong công tác đánh giá, tổng hợp chung để cập nhập số liệu vào phần mềm hệ thống báo cáo công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra

Để nâng cao chất lượng công tác thanh tra, đồng thời, khắc phục những hạn chế còn tồn tại nói trên, trong thời gian tới ngành Thanh tra tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất. Hoạt động thanh tra, kiểm tra hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và cơ chế, chính sách; thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Riêng đối với thanh tra chuyên ngành, Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm như: Bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu, xây dựng cơ bản, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch.

Đặc biệt, tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, tổ chức thực hiện tốt việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý sau thanh tra đã có hiệu lực pháp luật tại các cơ quan, đơn vị và cá nhân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đồng thời, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động các Đoàn thanh tra theo quy định. 

Cũng qua hoạt động phản ánh của Tạp chí Môi trường và Đô thị (https://www.moitruongvadothi.vn/dak-lak-ubnd-huyen-krong-ana-phan-hoi-bao-chi-ve-dn-trung-thien-a137817.html), Tạp chí Thanh tra đề nghị các cơ quan thanh tra tinh Đắk Lắk, thanh tra chuyên ngành xem xét, đánh giá thực trạng phản ánh của báo chí về biểu hiện vi phạm các quy định của pháp luật về môi trường, về gian lận không qua trạm cân, có làm thất thoát các khoản thuế phải thu của nhà nước, hoạt động khai thác khoáng sản có kiểm soát được trữ lượng khai thác hay không?, cũng như việc "bỏ qua", kiểm soát thiếu chặt chẽ các phương tiện tham gia vận tải khoáng sản, có hay không tình trạng bảo kê, lợi dụng chức vụ quyền hạn đã xảy ra tại huyện Krông Ana mà báo chí đã phản ánh? Nhằm góp phần tổng kết thực trạng quản lý hoạt động khoáng sản, thực hiện trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Luật Báo chí năm 2016 và Điều 15, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, kết quả thanh tra, kiểm tra, nội dung phản ánh trên, đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk gửi về Tạp chí Thanh tra./.

H. Đăng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra