Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia:

Kết quả và bài học kinh nghiệm

Thứ ba, 31/01/2023 18:13
(ThanhtraVietNam) - Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06/CP). Qua một năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản có tính chất nền tảng của năm 2022 đã cơ bản đạt được. Đề án đã được triển khai theo hướng đi vào những nội dung cụ thể, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ làm việc nào dứt điểm việc đó, bước đầu có những kết quả nổi bật.

Tiết kiệm 2.047 tỷ đồng qua 25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử

 Theo báo cáo của Tổ Công tác triển khai Đề án, qua một năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản có tính chất nền tảng của năm 2022 đã cơ bản đạt được (với 24 mục tiêu cụ thể của năm 2022, đã hoàn thành 11 mục tiêu, đang tập trung triển khai 13 mục tiêu còn lại. Đối với 89 nhiệm vụ cụ thể của Đề án, đến nay đã hoàn thành 47 nhiệm vụ, đang thực hiện thường xuyên 34 nhiệm vụ). Đề án đã được triển khai theo hướng đi vào những nội dung cụ thể, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ làm việc nào dứt điểm việc đó, bước đầu có những kết quả nổi bật trên các mặt: Hoàn thiện thể chế; thực hiện các dịch vụ công; tiện ích phát triển kinh tế, xã hội; phát triển công dân số; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu khác; công tác kiểm tra an ninh, an toàn, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu...

Trong đó, về thực hiện các dịch vụ công, trên cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến 21/12/2022, có 154.840.409 hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia (tăng 56.679.044 hồ sơ so với tháng 01/2022, thời điểm chưa triển khai Đề án 06). Trong đó, có 6.519.773 hồ sơ trực tuyến (tăng 3.707.816 hồ sơ so với tháng 01/2022, thời điểm chưa triển khai Đề án 06).

Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử; một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến cao như (Xác nhận Chứng minh nhân dân 9 số tỷ lệ 100%; thông báo lưu trú 98,3%; thủ tục làm con dấu mới 90,8%; đăng ký thi online 93,1%....). Đã tích hợp VNEID trên cổng dịch vụ công Quốc gia để tao điều kiện thuận lợi cho công dân đăng nhập, khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ. Đáng chú ý, giá trị mang lại đã tiết kiệm cho nhà nước 2.047 tỷ đồng. Tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa như: Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn…, tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ ngành để xác thực. Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”.

Riêng ngành Công an đã cung cấp 227/227 (100%) dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, nhiều nội dung rất thiết thực được người dân đón nhận (cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú...). Phối hợp triển khai thí điểm mô hình dịch vụ công tại các khu chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP Thủ Đức, Quận 4, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, huyện Hóc Môn) và quận Hoàng Mai, Hà Nội. Giá trị mang lại: Giúp người dân hạn chế đi lại, tạo thói quen thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại nhà.

leftcenterrightdel
 Có sự đồng hành của doanh nghiệp hoạt động ứng dụng chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy nhanh hơn. Ảnh: T.A 

Nhiều tiện ích phát triển kinh tế, xã hội phát huy trong thực tế

Một số kết quả của Đề án đáng chú ý khác như Bộ Công an đã làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng (CIC: 2 triệu thông tin tín dụng), để kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư (triển khai thí điểm cho BIDV, PVCOMBANK, MBBANK). Bộ Công an tiếp tục cung cấp 08 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhất là các sản phẩm xác thực dữ liệu, danh tính, thông tin công dân và các báo cáo thống kê, phân tích, dự báo. Trên cơ sở đó, Bộ Công an được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 17 về thành tích đặc biết xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đối với nền tảng Căn cước công dân gắn chip đã ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật như: Lĩnh vực Y tế, đã có 12.024 cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng CCCD gắn chip tích hợp Bảo hiểm y tế, đạt 94%, tăng 5.007 cơ sở so với 6 tháng đầu năm 2022, tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy (24,7 tỷ đồng so với năm 2021), một số đơn vị như Bình Dương, Quảng Bình đã triển khai 100% các cơ sở y tế sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp thông tin BHYT trong khám chữa bệnh. Lĩnh vực bảo hiểm: Triển khai công nghệ xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD gắn chip điện tử góp phần hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN tại Quảng Bình (BV Đa khoa Đồng Hới, BV Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Bình), Hà Nội (BV An Việt). Lĩnh vực ngân hàng, tín dụng: Sử dụng thẻ CCCD gắn chip rút tiền tại ATM (tiết kiệm chi phí in thẻ cho các tổ chức ngân hàng khoảng 50.000 đồng/thẻ), xác thực đảm bảo chính xác danh tính, phòng chống rủi ro, gian lận. Lĩnh vực giáo dục: sử dụng thiết bị xác minh di động để phòng chống gian lận thi cử (đang triển khai thí điểm thi của trường THPT Huy Tập, tỉnh Nghệ An)...

Đề án cũng đem lại không ít kết quả đáng ghi nhận về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu khác. Cũng như công tác kiểm tra an ninh, an toàn, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và công tác tham mưu, hoạch định các chính sách...

Tuy đạt được nhiều kết quả song một số tồn tại, hạn chế, nguy cơ cũng được Tổ Công tác triển khai Đề án chỉ ra như còn 8 công việc quá hạn.

Một số người đứng đầu chưa quyết liệt chỉ đạo, chưa kiểm tra, giám sát, đôn đốc những nhiệm vụ đề ra trong Đề án 06, sự vào cuộc của hệ thống chính trị chưa quyết liệt, có tình trạng khoán trắng cho lực lượng Công an.

 Một số địa phương còn chờ đợi sự triển khai, hướng dẫn của ngành dọc từ Trung ương. Chưa quan tâm sát sao trong công tác báo cáo định kỳ chưa gửi báo cáo về cơ quan thường trực. Ngoài ra còn một số mặt chưa làm được về công tác thể chế; thực hiện dịch vụ công; về phát triển kinh tế, xã hội; về phát triển công dân số...

Sáu bài học kinh nghiệm

Qua quá trình thực hiện Đề án, bài học kinh nghiệm cũng được rút ra. Cụ thể như:

Thứ nhất, bài học kinh nghiệm về quyết tâm chính trị, nhận thức và xác định đúng tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án 06, từ đó xác lập cơ chế chỉ huy, chỉ đạo tương xứng từ Trung ương tới cơ sở; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết ngay từ khi bước vào thực hiện Đề án với các mốc thời gian tính theo từng ngày, đồng thời quyết tâm thực hiện đúng thời gian từng nội dung công việc, để tạo cơ sở cho các bước tiếp theo hoàn thành đúng tiến độ. Sau khi nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai Đề án 06, cụ thể hóa bằng những Chỉ thị, Nghị quyết để tổ chức thực hiện thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, gắn với kiểm tra, đôn đốc quyết liệt từ cơ sở, tạo hiệu ứng lan tỏa trong quá trình triển khai để đạt kết quả cao trong thời gian ngắn.

Thứ hai, bài học về sự phối hợp hiệp đồng, chặt chẽ giữa các đơn vị trong giải quyết các vấn đề về kỹ thuật và nghiệp vụ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án, các bộ, ngành cùng chung tay xây dựng, hoàn thành các nhiệm vụ được giao (trong năm 2022, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông chủ động, phối hợp hoàn thành hướng dẫn 1552 về các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu triển khai Đề án; Bộ Công an hỗ trợ về hạ tầng cho Bộ Y tế…); phối hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng các giải pháp đột phá (như chấm điểm tín dụng, công tác tuyên truyền, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, giảm phí chữ ký số…), hướng tới phục vụ nhân dân và các cơ quan, công ty, doanh nghiệp sau này.

Đối với chính quyền các cấp tại tỉnh/thành phố trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án: Việc triển khai các công việc của Đề án liên quan đến toàn bộ chính quyền địa phương phải “chuyển mình”, phối hợp chặt chẽ để triển khai các công việc từ Sở, ban, ngành đến UBND các cấp, Đoàn, hội, các đồng chí Trưởng thôn/xóm/bản… phát huy tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, sự cống hiến, tâm huyết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng với mục tiêu hướng tới niềm tin của người dân, doanh nghiệp cũng như lợi ích của quốc gia.

Thứ ba, bài học về việc chủ động triển khai các nhiệm vụ, không trông chờ từ phía Bộ, ngành Trung ương. Đề án đã được đặt ra rất cụ thể các nhiệm vụ của từng cấp, trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai. Việc chủ động trong triển khai các nhiệm vụ giúp địa phương sẵn sàng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, tiếp cận và triển khai các tiện ích giúp người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương mình. Do vậy, UBND các địa phương cần chủ động triển khai các nhiệm vụ đặt ra theo phân công của Đề án và hướng dẫn từ cơ quan thường trực Đề án.

Thứ tư, bài học về quán triệt tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, tránh việc đầu tư trùng lặp, lãng phí. Việc ứng dụng triển khai số hóa trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp các dữ liệu được liên thông, đồng bộ, làm sạch và ứng dụng triển khai được ngay để thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công cho công dân. Việc số hóa cần đánh giá một cách cụ thể, tận dụng dữ liệu sẵn có để áp dụng ngay phương thức số hóa cho phù hợp, không đầu tư tạo thành nhiều kho dữ liệu trùng lặp thông tin gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.

Thứ năm, bài học kinh nghiệm về an ninh an toàn, bảo mật dữ liệu, hạ tầng, công nghệ thông tin của 18 bộ ngành và 27 địa phương chưa đáp ứng về an ninh an toàn, vì vậy, người đứng đầu các bộ ngành phải đặc biệt quan tâm để triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh an toàn thông tin.

Thứ sáu, bài học kinh nghiệm trong triển khai thí điểm các nhiệm vụ của đề án, các địa phương cần điều tra cơ bản đặc thù vùng miền để áp dụng triển khai Đề án cho phù hợp, hiệu quả, tạo tính lan tỏa cao như Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh…

Oanh Hữu
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra