Nghệ An: Đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững

Thứ ba, 05/09/2023 11:47
(ThanhtraVietNam) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67), tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đó là kết quả của từ sự vào cuộc của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ban ngành, chính quyền địa phương các cấp; sự chia sẻ, trách nhiệm của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh và sự năng động, sáng tạo của bà con ngư dân trong quá trình tiếp cận, thực hiện chính sách phát triển thủy sản của Nhà nước.

Đột phá về công suất, công nghệ, phương thức khai thác hải sản

Sau 5 năm thực hiện Nghị định 67, thủy sản Nghệ An đã có bước phát triển mạnh mẽ và khá đồng bộ như: Hạ tầng thủy sản từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại góp phần thúc đẩy đội tàu khai thác xa bờ phát triển; cơ cấu đội tàu khai thác được chuyển dịch theo hướng tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại và có khả năng khai thác xa bờ tăng nhanh, tàu nhỏ tàu khai thác ven bờ ngày một giảm dần. Trình độ về quản lý kinh tế, quản lý và vận hành tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại được nâng cao; quan hệ sản xuất trong khai thác đổi mới và phát triển phù hợp với lực lượng sản xuất, hình thành và phát triển nhiều tổ hợp tác, tổ đội khai thác nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác và vận chuyển vật tư, sản phẩm, nâng cao hiệu quả khai thác; đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân ngày một nâng cao.

leftcenterrightdel
Cảng cá Cửa Hội (phường Nghi Hải, Cửa Lò, Nghệ An). Ảnh: Trung Hà 

Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) rà soát và lập danh sách các dự án đầu tư hạ tầng thủy sản trình Bộ NNPTNT đưa vào danh mục các dự án ưu tiên theo Nghị định 67 (bao gồm các dự án: Nâng cấp, mở rộng cảng cá cửa Hội, cảng cá Lạch Quèn, cảng cá Lạch Cờn; Nâng cấp mở rộng khu neo đậu tránh trú bão Lạch Lò và Dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi Quỳnh Lưu). Kết quả sau 5 năm qua đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng hai cảng cá, đó là: Cảng cá Cửa Hội với tổng mức đầu tư 107 tỷ; Cảng cá Lạch Cờn huyện Quỳnh Phương, với tổng mức đầu tư gần 67 tỷ đồng; hiện tại đang trình phê duyệt nâng cấp mở rộng cảng cá Lạch Quèn với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. Có thể nói, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh ngày một đầu tư đồng bộ, hiện đại đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đội tàu khai thác, nhất là đội tàu khai thác hải sản xa bờ. 

Đội tàu khai thác hải sản xa bờ được đóng mới theo Nghị định 67 nhìn chung hoạt động khá hiệu quả và việc trả nợ vay đạt kết quả khá (gần 60% số tàu trả nợ đúng hạn).

Có thể nói, Nghị định 67 đã tạo ra tính đột phá về công suất, công nghệ, phương thức khai thác hải sản; đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đông đảo bà con ngư dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh biển đảo, chủ quyền quốc gia.

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai

Nghị định 67 biểu hiện cho chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhận thức của ngư dân về quản lý, sử dụng, duy tu bảo dưỡng các con tàu có công suất lớn đóng mới theo Nghị định 67 còn hạn chế, thậm chí yếu kém, nhất là đối với tàu vỏ thép. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, chất lượng thuyền viên ở nhiều tàu còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Một số chủ tàu trả nợ vốn vay và lãi suất tiền vay không đảm bảo đúng tiến độ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, một số tàu đã chuyển sang nợ xấu (theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Nghệ An, nợ xấu đến 30/4/2020 là 210.535 triệu/tổng dư nợ 703.250 triệu, bằng 29,93%). Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Nghệ An, đến 30/4/2020 tổng dư nợ: 703.250 triệu đồng của 102 chủ tàu. Trong đó: Số chủ tàu trả nợ đúng hạn: 60 chủ tàu, chiếm 59% tổng số chủ tàu đang được ngân hàng cho vay vốn, với dư nợ 360,28 tỷ đồng chiếm 51,2% tổng dư nợ. Số chủ tàu bị nợ quá hạn: 42 chủ tàu, chiếm 41% tổng số chủ tàu đang được ngân hàng cho vay vốn với dư nợ 342,97 tỷ đồng chiếm 48,8% tổng dư nợ. Số dư nợ gốc bị chuyển quá hạn là 51,95 tỷ đồng. Trong đó 29 chủ tàu bị chuyển nợ xấu, dư nợ xấu là 210,54 tỷ đồng (chiếm 30% tổng dư nợ).

Thời gian xử lý bồi thường bảo hiểm đối với một số trường hợp tàu gặp sự cố trong phạm vi bảo hiểm kéo dài; việc mua bảo hiểm đối với các tàu vay vốn theo Nghị định 67 trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn do Bảo hiểm PJICO chi nhánh Nghệ An chưa bán, hoặc không bán bảo hiểm cho các chủ tàu khiến một số tàu hết thời hạn bảo hiểm nên không thể ra khơi đánh bắt được; nếu tiếp tục ra khơi thì trong trường hợp xảy ra rủi ro sẽ gây tổn thất rất lớn cho cả ngư dân, ngân hàng cho vay và Nhà nước.

Nguyên nhân là do hiểu biết, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về vận hành nhiều con tàu đóng mới theo Nghị định 67 của một số chủ tàu còn yếu; ý thức trách nhiệm trong quản lý, vận hành, duy tu bảo dưởng của một số chủ tàu còn chưa tốt (Theo Nghị định 67: 70-95% giá trị con tàu là vốn vay từ các ngân hàng thương mại, nguồn vốn tự có của ngư dân chỉ có từ 5-30%)

Bên cạnh nguyên nhân khách quan liên quan đến việc mất mùa, thiếu lao động thì hai nguyên nhân chính dẫn đến việc trả nợ vay chậm, không thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng, đó là: Ý thức, trách nhiệm trả nợ của một số chủ tàu chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại Nhà nước, tạo hiệu ứng đám đông trong việc chây ỳ trả nợ vay và lãi vay… Ngoài ra, sự phối hợp giữa ngân ngân hàng với chính quyền địa phương (huyện, xã) cũng chưa thật tốt, chính quyền địa phương chưa thật sự vào cuộc trong việc tuyên truyền, động viên, vận động ngư dân trả nợ.

Công tác thẩm định và phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới một số trường hợp còn chưa chặt chẽ, chưa sát thực tế; một số chủ tàu ít am hiểu về nghề, một số chủ tàu không đủ năng lực để quản lý, vận hành khai thác tàu quy mô lớn, hiện đại nhưng vẫn được vay vốn đóng tàu; vì vậy, khi tàu đóng xong đưa vào hoạt động đạt hiệu quả thấp. Một số chủ tàu do thiếu vốn đối ứng phải vay ngoài nên ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và trả nợ cho ngân hàng…

Công tác thẩm định, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh, phương án trả nợ của các chủ tàu khi lập hồ sơ đóng mới tàu cá của một số ngân hàng thương mại còn có hạn chế.

Một số ngân hàng chưa thật sự thiện chí trong việc chuyển đổi chủ tàu, việc chỉ đạo thực hiện trong thu hồi nợ, chuyển đổi tàu còn hạn chế. Cán bộ bảo hiểm thiếu trách nhiệm trong việc hướng dẫn ngư dân làm thủ tục bảo hiểm, thủ tục thanh toán tiền bảo hiểm; ngư dân chậm hoàn thiện hồ sơ, chất lượng hồ sơ thanh toán bảo hiểm còn hạn chế…

Cần tiếp tục có chính sách khuyến khích, thu hút ngư dân, doanh nghiệp

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, Nghị định 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định số 67, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP để ngư dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước, trong đó phải quán triệt rõ cho các chủ tàu hiểu trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình.

Hai là, kiện toàn lại Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 các cấp; tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, các thành viên trong Ban chỉ đạo trong quá trình thực hiện Nghị định 67, nhất là sự phối kết hợp trong vấn đề xử lý các khó khăn vướng mắc của ngư dân, trong việc thu hồi nợ vay, lãi vay. Hàng quý, Ban chỉ đạo cấp tỉnh tiến hành làm việc với ban chỉ đạo các huyện thị để nắm bắt và tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc của ngư dân, cũng như côn tác thu hồi nợ vay của đội tàu 67.

Thứ ba, Sở NNPTNT, Chi cục Thủy sản căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vận hành, khai thác thủy sản của tàu cá nhất là tàu vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các quy định, quy trình duy tu bảo dưỡng tàu cá vỏ thép, quy định về cải hoán, chuyển đổi nghề và thực hiện kiểm tra gia hạn đúng quy định.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An chỉ đạo các các ngân hàng thương mại chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo 67 của tỉnh, chính quyền địa phương huyện xã và các chủ tàu căn cứ nội dung phương án sản xuất kinh doanh của chủ tàu đã được thẩm định, phê duyệt để tiến hành rà soát, phân tích, đánh giá, phân loại các trường hợp chưa hoặc không trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả cho từng trường hợp, theo hướng: Đôn đốc các chủ tàu thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Đối với chủ tàu hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhưng chây ỳ không trả nợ thì đề nghị Ngân hàng khởi kiện ra tòa, để xử lý theo quy định của Pháp luật và làm gương cho các chủ tàu khác. Đối với chủ tàu khó khăn do yếu tố khách quan và ý thức trách nhiệm tốt thì đề nghị ngân hàng xem xét và cơ cấu lại nợ vay. Đối với trường hợp chủ tàu không đủ năng lực để tiếp tục hoạt động, có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu thì hướng dẫn tạo điều kiện để người dân thực hiện chuyển đổi chủ tàu theo đúng quy định của pháp luật.

Qua thực tiễn, tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ xem xét và tiếp tục có chính sách khuyến khích, thu hút ngư dân, doanh nghiệp đầu tư đóng mới tàu khai thác, dịch vụ hiện đại; đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá; sớm cấp kính phí hỗ trợ sau đầu tư cho 3 tàu vỏ thép đã đóng mới theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP.

Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty Bảo hiểm sớm bán bảo hiểm thân tàu, nhất là các tàu đóng theo Nghị định 67; đồng thời đẩy nhanh các thủ tục thanh toán bảo hiểm khi rủi ro xẩy ra, tạo điều kiện cho ngư dân sớm ổn định cuộc sống và đầu tư khôi phục, phát triển sản xuất.

Đối với những tàu cá bị thiệt hại, rủi ro 100% đề nghị Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tái cơ cấu nguồn vốn để đóng mới tàu thay thế. Thực tiễn đã có Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro trên biển; tuy nhiên, trong thời gian qua việc triển khai thực hiện chủ trương này chưa được quan tâm đúng mức.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tăng cường công tác chỉ đạo các huyện, thành, thị ủy ven biển căn cứ yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và tình hình phát triển thủy sản trên địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2020-2025./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra