Đó là tổng kết của Trưởng ban Tiếp công dân trung ương (TCDTW) Nguyễn Hồng Điệp tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác xử lý đơn khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 14/11.
Hội nghị được tổ chức theo Kế hoạch 160/KH-TLĐ ngày 08/11/2024 nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu trung tâm - Trụ sở Tổng LĐLĐ Việt Nam tại Hà Nội và kết hợp trực tuyến tại trụ sở LĐLĐ TP Hà Nội, 62 LĐLĐ tỉnh, thành phố, Trụ sở Công đoàn Cao su Việt Nam, Văn phòng B Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Với hơn 4.870 đại biểu là các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN cùng cán bộ văn phòng Ủy ban Kiểm tra, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, cán bộ văn phòng Ủy ban Kiểm tra, ủy viên Ủy ban Kiểm tra các LĐLĐ tỉnh, thành phố tham dự hội nghị.
|
|
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn tại điểm cầu trung tâm Trụ sở Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam |
Theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Việc tiếp công dân sẽ giúp cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành một cách hiệu quả.
Tiếp công dân là điểm khởi đầu, là một trong những khâu quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khắc phục những hạn chế bất cập trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua đó nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật nói chung, pháp luật khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng đối với quần chúng nhân dân.
Trao đổi tại Hội nghị, Trưởng ban TCDTW cho rằng, là cơ quan lãnh đạo của các cấp Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thay mặt cho công nhân, viên chức và lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, tham gia xây dựng pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, viên chức và người lao động, do đó việc Tổng LĐLĐ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư đến LĐLĐ cấp tỉnh đặc biệt có ý nghĩa, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của LĐLĐ, giúp LĐLĐ gần với công đoàn viên hơn và đại diện tốt hơn cho quyền lợi của công đoàn viên, người lao động hơn.
Trưởng ban TCDTW nhấn mạnh, chúng ta đừng quá cứng nhắc, máy móc, hàn lâm về tiếp công dân, tiếp công dân là gì? phải làm như thế nào? theo đúng tuần tự, từng bước,… mà tiếp công dân là lắng nghe, chia sẻ, hướng dẫn cho người dân, giúp cho người dân thực hiện được quyền, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của họ.
|
|
Trưởng ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo từ điểm cầu trung tâm |
Tiếp công dân không chỉ là tiếp để giải quyết, mà còn là tham gia cùng cơ quan chức năng để thuyết phục, vận động công đoàn viên, công nhân, người lao động, người sử dụng lao động, không để bị kích động, xúi dục, lôi kéo gây náo loạn, mất ổn định, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của cơ quan, tổ chức, đơn vị và ảnh hưởng đến chính quyền lợi của người lao động.
Thông qua tiếp công dân để lắng nghe, tổng hợp từ đó tham mưu, đề xuất hoạch định chính sách mà còn để nắm địa bàn, “nắm công nhân”; bình tĩnh lắng nghe, thái độ cầu thị, xử lý linh hoạt, không nóng vội, kiên trì đề xuất kéo công nhân về phía mình, tạo đồng thuận và sự ủng hộ của công nhân, người lao động, những người làm nhiệm vụ tiếp công dân vừa là cánh tay phải của lãnh đạo LĐLĐ nhưng vừa là cầu nối giữa người lao động với người sử dụng lao động, giữa người lao động với LĐLĐ.
Bên cạnh việc phổ biến các quy định về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; quy trình, cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện, Trưởng ban TCDTW dành nhiều thời gian chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống khi tiếp những đoàn công dân đông người, phức tập, khiếu kiện với thái độ bức xúc, gay gắt và trả lời một số câu hỏi liên quan từ thực tế tiếp công dân, xử lý đơn của LĐLĐ…
Không có cuốn giáo trình nào dạy về việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, cũng không có vụ việc giống nhau, tình huống giống nhau, lặp lại, mà với mỗi việc, mỗi tình huống lại có sự khác nhau, đặc trưng riêng, nhưng bằng kỹ năng, kinh nghiệm của mình, biết lắng nghe, chia sẻ, đặt mình vào vị trí công dân để tiếp, để nói chuyện với công dân thì mọi khó khăn, khúc mắc, cản trở sẽ được hóa giải, chúng ta sẽ nắm được nội dung mà người dân cần, từ đó có cách xử lý, hướng xử lý phù hợp.
"Tôi nghĩ rằng, những người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần đảm bảo 4 mục tiêu: giải quyết đến cùng, kiên trì tuyên truyền vận động giải thích đến cùng, hỗ trợ đến cùng, xử lý đến cùng và đảm bảo 4 yêu cầu: lặng lẽ quan sát, bình tĩnh đối phó, làm tốt từng việc, quyết không đối đầu; với 4 mục tiêu và 4 yêu cầu này, chúng ta những người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình" - Trưởng ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ./.