Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thời gian qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch và chỉ thị quan trọng để thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo một cách hiệu quả. Cụ thể, Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 06/02/2017 về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TƯ ngày 16/12/2016 của Thành ủy Hà Nội là một trong những văn bản chỉ đạo quan trọng, nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác này. Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 01/6/2017 được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại và hạn chế, đồng thời đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố.
Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 24/4/2018 của Chủ tịch UBND Thành phố đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng tiếp công dân và giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo từ các cá nhân và tổ chức. Văn bản số 3985/UBND-BTCD ngày 28/8/2018 yêu cầu các chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, giám đốc và thủ trưởng các sở ngành của thành phố tăng cường trách nhiệm trong việc tiếp công dân.
Trong năm 2019, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 24/7/2019, cụ thể hóa Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 23/11/2022 và Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 27/3/2023 đều là những văn bản quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với mục tiêu tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố.
|
|
Trụ sở tiếp công dân TP. Hà Nội (ảnh: thanhnien.vn) |
Rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người
UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người và tồn đọng kéo dài. Cụ thể, theo Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND, UBND Thành phố đã thực hiện dứt điểm 174/176 vụ việc, chỉ còn lại 02 vụ việc chưa hoàn thành.
Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ đã được thực hiện dứt điểm với 09/09 vụ việc đã hoàn thành. Bên cạnh đó, Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 đang trong quá trình thực hiện với 12 vụ việc.
Theo Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố cũng đang tích cực giải quyết 88 vụ việc khiếu nại, tố cáo (bao gồm 21 vụ khiếu nại và 67 vụ tố cáo) và 43 vụ việc khác đang trong quá trình xử lý.
Khó khăn và thách thức trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Hệ thống, chính sách pháp luật còn có những chồng chéo, chưa hoàn thiện, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng, khiến việc áp dụng vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn.
Một số vụ việc dù đã được giải thích và giải quyết có lý, có tình nhưng người dân vẫn chưa nhất trí, do giá trị bồi thường thấp, không đảm bảo ổn định cuộc sống sau khi tái định cư. Việc quy định trách nhiệm, trình tự, thủ tục trong thực hiện quyết định cưỡng chế giải phóng mặt bằng đôi khi còn lúng túng và chồng chéo, chưa rõ ràng. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ và kịp thời.
Ngoài ra, tình hình khiếu nại, tố cáo đông người vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Đặc biệt, tình trạng công dân tập trung đông người khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan Trung ương và Thành phố vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến an ninh trật tự công cộng.
Không để nảy sinh các “điểm nóng”, các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài
Trước những thách thức và khó khăn, UBND Thành phố Hà Nội đã đề ra một số giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.
Theo đó, UBND Thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền và tổ chức thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Chỉ thị của Thú tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết KNTC bằng nhiều hình thức phù hợp.
Tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiêp công dân, tham mưu giải quyết đơn thư ở cơ sở. Xây dựng cơ sở dữ liệu về đơn thư khiếu nại, tố cáo gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định sô 55/2022/NQ-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ về “Quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tô cáo, kiến nghị, phản ánh”.
Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, ƯBND quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo trên địa bàn Thành phố.
Tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tích cực giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở, không để nảy sinh các “điểm nóng”, các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, khiếu kiện vượt cấp.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đặc biệt là các lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại tố cáo như: quản lý, sử dụng đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng...
Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua thanh tra phát hiện và xử lý kịp thời đối với các cá nhân có hành vi trì hoãn, kéo dài, thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên trong giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, kết luận, quyết định xử lý vi phạm qua giải quyết tố cáo, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất chiến lược đối với UBND Thành phố Hà Nội. Trong những năm qua, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và sự đồng lòng của người dân, tin rằng công tác này sẽ tiếp tục được cải thiện, góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và duy trì ổn định.