Long An:

Kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ năm, 18/08/2022 17:41
(ThanhtraVietNam) - UBND tỉnh Long An đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện một số cơ chế, chính sách pháp luật khiếu nại, tố cáo (KNTC) cũng như luật khác còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu kiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường,...

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh Long An

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ: I.T.N

Qua thông tin trao đổi với Tạp chí Thanh tra, UBND tỉnh Long An cho biết, xác định công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng yêu cầu các địa phương có sự chủ động trong việc lập kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là chú ý đến các vụ việc đã dự báo; đồng thời, thường xuyên rà soát, phân loại, nắm chắc các vụ việc KNTC phát sinh trên địa bàn, những điểm nóng, những lĩnh vực nhạy cảm để kịp thời xử lý, giải quyết.

Nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết KNTC cần có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của lãnh đạo chính quyền các cấp và các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh Long An.

Từ thực tiễn công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn KNTC và tiếp công dân, trên cơ sở đánh giá nguyên nhân phát sinh đơn trong trong thời gian qua, UBND tỉnh Long An đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện một số cơ chế, chính sách pháp luật về KNTC cũng như quy định pháp luật khác còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu kiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường,... pháp luật tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số bất cập, vướng mắc, chưa đồng bộ.

Thứ nhất: Đối với các cấp ủy Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp thường xuyên quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, thành lập các Đoàn kiểm tra đối với các cơ quan, địa phương về lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân.

Cấp ủy cần chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh. Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu về tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC từ Trung ương tới địa phương là cơ sở hữu ích để tăng chất lượng giải quyết KNTC. Để đẩy nhanh tiến độ này, người đứng đầu cấp ủy cần chỉ đạo trực tiếp.

Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và phân công trách nhiệm cho các đồng chí ủy viên theo dõi, chỉ đạo công tác giải quyết KNTC trên địa bàn được phân công, gắn với cải cách hành chính. Cấp ủy phải thường xuyên bám sát công tác quản lý của chính quyền, giao nhiệm vụ cụ thể với từng đơn vị chức năng, đặc biệt là cấp ủy ở chính quyền cơ sở, trực tiếp nghe báo cáo và có chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, các chính sách, quy định mới, giám sát chính quyền giải quyết kịp thời, thỏa đáng KNTC của người dân, tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, không để xảy ra KNTC phức tạp, kéo dài. Cấp ủy phải coi đó là nhiệm vụ ưu tiên để thể hiện rõ vai trò của mình, chỉ đạo hoàn thiện quy trình xử lý thông tin KNTC, phản ánh, kiến nghị một cách thuận tiện, ứng dụng phần mềm quản lý việc tiếp dân, giải quyết KNTC. Cấp ủy có thể phân công các ủy viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát hoặc chỉ đạo việc phối hợp giữa các đơn vị, địa phương với các cơ quan chuyên môn để xử lý KNTC của công dân kịp thời.

Thứ hai: Đối với Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện một số cơ chế, chính sách pháp luật KNTC cũng như các pháp luật khác còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu kiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường...

Tăng cường xem xét, giám sát quá trình giải quyết các vụ việc KNTC cụ thể, nổi cộm, gây bức xúc trong cử tri và Nhân dân. Để nắm chắc hơn tình hình tuân thủ, chấp hành pháp luật trong quá trình giải quyết, cũng như tác động của việc giải quyết, kết quả giải quyết vấn đề, vụ việc bức xúc, nổi cộm nhằm bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của cử tri và Nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, kiến nghị với các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo, giải quyết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, làm giảm các vụ việc nổi cộm, những vấn đề bức xúc, hạn chế tối đa việc hình thành “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự.

Thứ ba: Đối với Chính phủ, chỉ đạo các Bộ quan tâm rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực phát sinh nhiều KNTC (nhất là lĩnh vực đất đai).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quy định của pháp luật và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; quá trình thực hiện phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, đặc biệt cần bổ sung một số quy định cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Cụ thể như: Việc xử lý hành vi vi phạm các quy định pháp luật về tố cáo theo quy định tại Điều 65 Luật Tố cáo còn gặp nhiều khó khăn. Pháp luật hiện nay còn thiếu các quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm đối với người tố cáo cố tình tố cáo sai sự thật. Đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, Điều 23 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ đã có quy định chế tài xử lý: “Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tuy nhiên, đối với chủ thể là người dân thì pháp luật chưa có chế tài xử lý hành chính, nên còn gây khó khăn cho các cơ quan hành chính trong việc xử lý. Do đó, Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực KNTC làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là đối với các đối tượng lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, tố cáo nhiều lần, gây rối an ninh trật tự, xúc phạm cán bộ, công chức, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, vượt cấp, tố cáo nhiều lần, sai sự thật, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Đối với trường hợp mời người tố cáo lần đầu, lần 2, lần 3 mà không đến thì xử lý thế nào? Tiếp tục xem xét giải quyết, không thụ lý hay đình chỉ giải quyết tố cáo? Đề nghị cần bổ sung quy định pháp luật về tố cáo để giải quyết đối với trường hợp này.

Đối với quy định pháp luật về khiếu nại hiện hành, công dân chỉ có quyền khiếu nại một quyết định hành chính mang tính cá biệt mà không có quyền khiếu nại quyết định mang tính quy phạm của cơ quan nhà nước. Đây là một hạn chế đối với quyền khiếu nại của công dân, vì trên thực tế, chính những quyết định này mới gây nhiều bức xúc trong Nhân dân và thậm chí dẫn đến những khiếu nại đông người, vượt cấp. Cần quy định bổ sung quy định cho phép công dân được quyền khiếu nại quyết định hành chính mang tính chất ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Đối với đơn kiến nghị, phản ánh, cần quy định rõ đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh, quy định quy trình giải quyết và xử lý trường hợp khiếu nại hết thời hiệu công dân chuyển qua hình thức kiến nghị, phản ánh. Kiến nghị bổ sung cơ chế ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy định của luật về các quy trình của tiếp công dân, giải quyết KNTC để đảm bảo cho công tác giải quyết đơn thư đúng thời gian quy định của pháp luật.

Thứ tư: Đối với Bộ, ngành Trung ương cần chú trọng thực hiện cải cách hành chính, công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh KNTC như: quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tài chính.

Việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư KNTC phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất. Các trường hợp đã được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật, đã có thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết thì không nên chuyển đơn về địa phương tiếp tục xem xét giải quyết.

Thứ năm: Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Nhân dân cần làm tốt vai trò đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đoàn viên, kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi có tranh chấp. Giải thích, thuyết phục công dân chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận, quyết định xử lý đã được xác định là đúng chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh công tác đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt KNTC không đúng, giảm thiểu các tranh chấp, KNTC từ cơ sở./.

Việt Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra