Phú Yên: Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm

Thứ hai, 13/05/2024 15:52
(ThanhtraVietNam) - Những tháng đầu năm 2024, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Phú Yên giảm so với cùng kỳ, ít vụ việc khiếu nại gay gắt, đông người, không có vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo tiêu chí của Thanh tra Chính phủ, không có đoàn khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương.

Chứng chỉ IELTS và Aptis: Cấp chứng chỉ khi chưa được phép - có phải là phổ biến?

Bài 2: Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm nhiều cá nhân Sở GTVT Cần Thơ

Bài 1: Sở Giao thông vận tải Cần Thơ để xảy ra nhiều sai phạm

Thanh tra, kiểm tra ngay thị trường vàng

Ngoài IDP, Hội đồng Anh cũng cấp hơn 90.000 chứng chỉ IELTS và Aptis trái phép

Khiếu nại về đất đai, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ cao

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, những tháng đầu năm 2024, công tác tiếp công dân tiếp tục được quan tâm, duy trì thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân theo quy định; trực tiếp đối thoại với công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân để kịp thời hướng dẫn, giải quyết đúng chính sách, pháp luật. 

Quý I năm 2024, các cơ quan hành chính các cấp tỉnh Phú Yên đã tiếp 404 lượt công dân/393 vụ việc. Trong đó, có 02 đoàn/02 vụ việc có nhiều người cùng khiếu nại.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiếp nhận 935 đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước (935/966).

Tổng số đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền là 538 đơn/538 vụ việc, đã giải quyết 317 đơn/317 việc, đạt tỷ lệ 58,92%; còn lại 221 đơn/221 vụ việc đang giải quyết.

Những vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng các cấp, các ngành đã được xem xét, giải quyết đúng pháp luật. Nhiều vụ việc KNTC mới phát sinh đã được tập trung giải quyết dứt điểm tử cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, hạn chế tối đa việc khiếu nại vượt cấp.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế.

Trong đó, các khiếu nại về lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chiếm tỷ lệ cao, tập trung ở các địa phương: Thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu, thành phố Tuy Hòa, huyện Tuy An.

Đáng nói, một số địa phương giải quyết đơn còn chậm (thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu, thành phố Tuy Hòa); một số vụ việc giải quyết chưa sát nội dung, sai sót về quy trình, thủ tục giải quyết. Một số địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện chưa trực tiếp tiếp công dân định kỳ đầy đủ theo quy định; việc mở sổ tiếp công dân không đúng mẫu, ghi chép chưa đầy đủ, có trường hợp còn thiếu nội dung (họ tên cán bộ tiếp dân, phân loại đơn, chữ ký của công dân, hướng xử lý, theo dõi kết quả giải quyết..); công tác tổng hợp báo cáo số liệu về kết quả tiếp công dân, tình hình KNTC và giải quyết KNTC chưa đảm bảo chính xác.

Hơn nữa, việc sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết KNTC trên toàn tỉnh chưa đồng bộ.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC nói riêng, tuy được triển khai thực hiện nhưng chưa thường xuyên, liên tục, nội dung, hình thức chưa phong phú, hiệu quả chưa cao.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số địa phương có số lượng đơn phát sinh tăng nhiều (trên địa bàn triển khai nhiều dự án, liên quan lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triến kinh tế - xã hội), trong khi lực lượng thanh tra bình quân của các địa phương chỉ có 4-5 người nên việc giải quyết đơn còn chậm.

leftcenterrightdel
KNTC tại Phú Yên chủ yếu liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng. (Ảnh minh họa: laodong.vn) 

Tại một số địa phương, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ, công chức chưa được quan tâm đúng mức; năng lực tham mưu của một bộ phận cán bộ còn yếu. Đặc biệt, cấp xã là nơi phát sinh chủ yếu các KNTC, tranh chấp đất đai nhưng nhiều địa phương không có cán bộ chuyên trách, chủ yếu là cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, địa chính hoặc Văn phòng kiêm nhiệm, chưa được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết KNTC.

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận Nhân dân có đơn KNTC còn hạn chế, nên yêu cầu, đòi hỏi không đúng hoặc vượt quá quy định pháp luật. Thậm chí, có vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng người khiếu nại vẫn không chấp nhận kết quả giải quyết, khiếu nại kéo dài.

Một số giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Thủ trưởng các ngành, các cấp phải xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân; xem công tác tiếp công dân là một khâu quan trọng của công tác quản lý Nhà nước; tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong Nhân dân.

Đồng thời, cân nhắc, dự đoán những vấn đề có thể phát sinh trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với quyền lợi của công dân khi bị thu hồi đất. Thường xuyên rà soát các quy định về thu hồi đất, bồi thường, chế độ hỗ trợ, tái định cư để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng như của Nhà nước và nhà đầu tư. Mức giá bồi thường phải phù hợp với thực tế, nhất là đối với đất nông nghiệp.

Riêng đối với các dự án thuộc nhóm nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án thì chính quyền các cấp cần phải chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để thống nhất mức bồi thường, hỗ trợ phù hợp với thực tế.

Mặt khác, nắm chắc tình hình và tập trung phối hợp giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở và từ khi mới phát sinh khiếu kiện, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Trong đó, chú trọng công tác đối thoại, giáo dục, thuyết phục người dân trong công tác giải quyết khiếu nại, đặc biệt là các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp. Khi phát sinh KNTC thuộc thẩm quyền cấp nào thì trách nhiệm cấp đó phải giải quyết kịp thời, người đứng đầu các cấp phải nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, đối thoại và trực tiếp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở.

Quá trình giải quyết khiếu nại, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa cấp trên với cấp dưới và giữa các ngành cùng cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền, giải thích pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC để cán bộ, Nhân dân nắm vững và nghiêm chỉnh chấp hành.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, lưu ý đối với các vụ việc có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết luận của bộ, ngành Trung ương. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc chấm dứt KNTC. Đối với các vụ việc cần thiết phải rà soát lại để xem xét thì thành lập Đoàn thanh tra để giải quyết dứt điểm./.

Hoàng Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra