|
|
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì phiên tiếp công dân định kỳ tháng 4/2023. Ảnh: truyenhinhnghean.vn |
Giải quyết 89% các vụ việc khiếu nại, tố cáo
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp 2.946 lượt người, với 2.980 công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đất đai tiếp nhận là 4.803 đơn, tăng 6,3%, trong đó số đơn đủ điều kiện xử lý là 4.281 đơn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong kỳ là 200 vụ việc, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết được 178/200 vụ việc, đạt tỷ lệ 89%, còn lại 22 vụ việc đang trong thời gian kiểm tra, xác minh, giải quyết theo quy định.
Đáng chú ý, Nghệ An đã thực hiện 43 cuộc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 57 đơn vị; trong đó, đã ban hành kết luận 32 cuộc. Qua thanh tra, các cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý đối với 12 tổ chức và 91 cá nhân có sai phạm, đã xử lý hành chính 12 tổ chức, 64 cá nhân.
Hiện nay, các ngành, địa phương tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo và các phần mềm khác trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và theo dõi, tổng hợp kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các cấp, các ngành cũng đề cao trách nhiệm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, do đó hạn chế bức xúc trong Nhân dân; đồng thời, chỉ đạo giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Công tác tiếp công dân tại các cấp, các ngành được thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc; các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của công dân được cán bộ tiếp công dân tham mưu, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo tiếp tục quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc thực hiện dân chủ cơ sở có sự chuyển biến tích cực; công tác thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường.
Kỹ năng phân loại và xử lý đơn thư của cán bộ công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư ngày càng được nâng lên, đơn thư của công dân được tập trung về một đầu mối, được chuyển đến đúng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nên đã hạn chế và giảm được hiện tượng tụ tập đông người và đơn thư vượt cấp kéo dài.
Chính vì thế, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Nghệ An đã góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của địa phương; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
|
|
Toàn cảnh phiên tiếp công dân định kỳ tháng 4/2023 tại Nghệ An. Ảnh - truyenhinhnghean.vn |
Hạn chế, tồn tại do nhiều nguyên nhân
Mặc dù vậy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Nghệ An vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
Việc bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương chưa phù hợp, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế, làm hạn chế chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số ngành, địa phương chất lượng chưa cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc theo dõi, tích hợp, khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương chưa đầy đủ, kịp thời.
Một số địa phương trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo các vụ việc thuộc thẩm quyền chưa thực sự coi trọng việc tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công dân, dẫn đến việc giải quyết các vụ việc kéo dài, phức tạp. Một số đơn vị vẫn còn tình trạng giải quyết chậm so với thời gian quy định.
Các cấp, các ngành đã nỗ lực, quyết tâm trong việc giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013; Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ nhưng đến nay vẫn còn lại 03 vụ việc chưa giải quyết dứt điểm.
Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa nhất quán, có sự chênh lệch giữa giá bồi thường so với giá trị thực tế. Công tác quản lý đất đai còn hạn chế do lịch sử để lại, hồ sơ tài liệu lưu không đầy đủ, tính pháp lý không đảm bảo.
Bên cạnh đó, công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn, tham mưu giải quyết đơn ở xã, thị trấn hầu hết là kiêm nhiệm nên việc tham mưu xử lý đơn ở một số địa phương còn lúng túng, trách nhiệm chưa cao.
Tại một số đơn vị thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chưa nghiêm túc, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả chưa đúng hạn, hiện tượng gây khó khăn, phiền hà chưa được khắc phục triệt để.
Một số công dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo nên tình trạng khiếu nại, tố cáo sai, chiếm tỷ lệ khá cao. Nhiều đơn thư có nội dung không rõ ràng hoặc trình bày không đúng nội dung yêu cầu giải quyết. Cá biệt, có một số trường hợp nội dung đơn thư đã được các cấp, các ngành, giải quyết, trả lời đúng quy định của pháp luật nhưng công dân vẫn cố tình tiếp tục khiếu nại, tố cáo làm phức tạp tình hình.
Nhận thức về pháp luật của một số cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế, nhất là trong việc xác định nội dung đơn, thẩm quyền xử lý, giải quyết do đó đã có một số vụ việc giải quyết chưa đảm bảo nội dung đơn của công dân. Chất lượng giải quyết đơn thư nói chung và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã và tại một số cơ quan, đơn vị đạt kết quả chưa cao, thời gian giải quyết còn chậm.
Công tác quản lý nhà nước về một số lĩnh vực, nhất là đất đai (đặc biệt là ở cấp xã) còn nhiều sai sót, chậm được xử lý, việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ, có lúc chưa đảm bảo sự công bằng (nhất là trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng....); dẫn đến phát sinh nhiều đơn thư.
6 nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả tiếp công dân
Trong thời gian tới, các địa phương, cơ quan tiếp tục tập trung hoàn thành các chương trình, kế hoạch đề ra (trong đó có các dự án chỉnh trang đô thị phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư). Do đó, tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung tiếp tục diễn biến phức tạp và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, nhất là ở những địa phương, địa bàn thu hồi nhiều đất của dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Khiếu nại đông người, phức tạp sẽ phát sinh ở những nơi không làm tốt công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, không quan tâm đúng mức đến công tác vận động, thuyết phục và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Bên cạnh đó, tính chất của một số vụ việc gay gắt, phức tạp sẽ có xu hướng tăng trên địa bàn: Thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu và huyện Hưng Nguyên liên quan đến việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng và thực hiện các dự án.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trước bối cảnh có những diễn biến phức tạp nói trên, trong thời gian tới, Nghệ An tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là: Tăng cường công tác tuyên truyền cho Nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng. Thường xuyên tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hai là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tiếp công dân của Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Ba là: Giao Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh, không để các vụ việc tồn đọng kéo dài, quan tâm chế độ đãi ngộ, bố trí đủ số lượng cán bộ có năng lực, trình độ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bốn là: Tăng cường phối hợp giữa Ban Tiếp công dân tỉnh, Thanh tra tỉnh và các cơ quan Trung ương, địa phương trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Năm là: Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được các cấp, các ngành giải quyết, đúng quy định của pháp luật, qua kiểm tra, soát xét không phát sinh thêm tình tiết mới thì ban hành văn bản thông báo chấm dứt việc giải quyết và đề nghị các cơ quan, tổ chức không tiếp nhận, chuyển đơn.
Sáu là: Đối với các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, còn nhiều quan điểm xử lý khác nhau thì phải xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Trung ương để thống nhất phương án giải quyết vụ việc.
K. Dung