|
|
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tại một buổi tiếp công dân. Nguồn ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Ở bài trước, chúng ta đã thấy những kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (gọi tắt là Chỉ thị số 35-CT/TW) và các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi, lĩnh vực do Bộ quản lý, cũng như những kết quả thực tiễn trong công tác tiếp công dân, xử lý phản ánh kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo. Trong phạm vi bài này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số hạn chế, vướng mắc, tồn tại, nguyên nhân và các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, kiến nghị, đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW. Cụ thể là:
Một số hạn chế, vướng mắc tồn tại và nguyên nhân
Qua công tác lãnh đạo việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy: Tình trạng công dân gửi đơn thư nhiều lần, vượt cấp vẫn còn nhiều (số lượng đơn trùng, không đủ điều kiện gửi đến Bộ chiếm 52,78%); đơn thuộc thẩm quyền địa phương chiếm 90,2%. Bên cạnh đó, có một số vụ việc có quyết định giải quyết lần hai đã được Bộ hướng dẫn, trả lời theo quy định của pháp luật nhưng công dân không đồng ý, không khởi kiện đến Tòa án mà tiếp tục gửi đơn đến Bộ và cơ quan Trung ương yêu cầu giải quyết lại. Trong khi đó, một số địa phương không chỉ đạo giải quyết hoặc chậm giải quyết các vụ việc mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản chuyên đơn để giải quyết theo thẩm quyền, do vậy có rất nhiều vụ việc công dân nhiều lần đến Trụ sở tiếp công dân của Bộ trình bày không được địa phương giải quyết mặc dù có văn bản chuyên đơn của Bộ và các cơ quan Trung ương khác. Một số vụ việc đã được cơ quan chức năng giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật, đã rà soát nhiều lần, nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn đến nhiều cấp hoặc sau khi khiếu nại không được chấp nhận đã chuyển sang tố cáo.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đất đai hiện nay còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Một số vụ việc phức tạp, kéo dài, hồ sơ tài liệu lưu giữ ở địa phương không đầy đủ, dẫn đến khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, xác minh, làm rõ các nội dung liên quan. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại giữa các cấp, ngành, địa phương trong một số vụ việc chưa thật sự tốt, có tình trạng vụ việc còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau giữa các cơ quan Trung ương với nhau và giữa cơ quan Trung ương với địa phương, dẫn đến việc chậm ban hành văn bản giải quyết. Ngoài ra, nhận thức và ý thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan của một số công dân chưa cao, có trường hợp mặc dù được giải quyết đúng quy định, nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo đến cơ quan cấp trên.
Không thể phủ nhận một thực tế còn tồn tại là công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại một số địa phương còn chưa chặt chẽ và chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi số lượng đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo chưa đảm bảo, chưa tương xứng với khối lượng công việc được giao. Mặt khác, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc luôn đột xuất theo từng thời điểm khác nhau, nên không thể chủ động trong việc bố trí lực lượng giải quyết đúng thời hạn.
|
|
Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tại một buổi tiếp công dân. Nguồn ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Phương hướng, nhiệm vụ và kiến nghị, đề xuất
Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại nói trên nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung vào những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát để hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đang làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, như pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và pháp luật liên quan, các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường nhất là các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) để giải quyết cơ bản nguyên nhân phát sinh khiếu nại về đất đai thời gian qua.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và Nhân dân về chủ trương của Đảng cũng như văn bản pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo vệ người tố cáo. Quán triệt cấp ủy đảng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo, giải quyết cơ bản các vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ.
Cùng với đó, nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, lấy hiệu quả của công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác, cũng như trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thuộc phạm vi đơn vị mình phụ trách; xác định công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đầu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bộ cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thực hiện việc rà soát, sửa đổi bổ sung và hướng dẫn những vướng mắc, bắt cập trong pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và pháp luật khác có liên quan đến công tác này.
Cùng với đó, căn cứ hướng dẫn của Trung ương, các quy định của pháp luật, chỉ đạo rà soát, kiến nghị hoàn thiện các quy định để thực hiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo theo hướng cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm khắc, chú trọng các biện pháp phòng ngừa; làm rõ những biểu hiện của hành vì trả thù, trù dập người tố cáo dưới mọi hình thức để làm cơ sở nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi này; ban hành theo thẩm quyền các quy định về bảo vệ người tố cáo, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về những hành vì có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân bảo vệ người tố cáo; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo; đảm bảo an toàn thông tin cho người tố cáo.
Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ, ngành và địa phương trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo, nhất là những địa phương phát sinh nhiều khiểu nại, tố cáo.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế, quy trình giải quyết công việc đảm bảo khoa học, hiệu quả, rút ngắn tối đa thời gian thi hành công vụ. Quán triệt các đơn vị trực thuộc Bộ thường xuyên tổng hợp các bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
K. Dung