|
|
Khai thác mỏ khoáng sản tại Bỉm Sơn ,Thanh Hóa. |
Ngày 07/7/2022, Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 1980/SCT-KTATMT về việc chấp thuận phương án nổ mìn thí nghiệm của Công ty THHH sản xuất và DVTM Thanh Hưng (viết tắt Công ty Thanh Hưng). Ngày 21/7/2022, Công ty Thanh Hưng có văn bản gửi Sở Công thương đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật. Cùng ngày 21/7/2022, các hộ dân khu vực gần mỏ của Công ty Thanh Hưng có đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn, “không hiểu vì sao… mà Sở Công thương lại cho Công ty tiếp tục được sử dụng vật liệu nổ để khai thác trở lại”. Theo đó ngày 09/8/2022, Sở Công Thương có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh, xin ý kiến về việc người dân “không đồng ý với Văn bản của Sở Công thương” và việc nổ mìn “có gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng” mặc dù việc nổ mìn chưa tiến hành! Quy định về nổ mìn, sử dụng vật liệu nổ đã được pháp luật quy định chi tiết, chặt chẽ, giải pháp nổ mìn thí nghiệm cũng đã được các Sở, ban ngành xem xét, phê duyệt, đơn thư phản ánh là những nội dung cũ đã nhiều năm kiến nghị… liệu UBND tỉnh Thanh Hóa, có giải quyết đơn thư khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật nhằm chấm dứt vụ việc khiếu nại kéo dài trong nhiều năm, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, người dân kêu ảnh hưởng…?
Theo đơn thư phản ánh, kết quả báo cáo của Sở Công thương, hồ sơ tài liệu thu thập của Tạp chí Thanh tra, sự việc bắt đầu từ đơn thư ngày 03/03/2017, ông Đỗ Văn Thư và một số hộ dân xung quanh mỏ đá gửi đơn kêu cứu đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có nội dung: “… công ty nổ mìn liên tục… ảnh hưởng hơn 20 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 xã Tân Phúc, huyện Nông Cống… làm mất đi di tích lịch sử của Tướng quân Nguyễn Chích (chống Minh)…”, “ảnh hưởng đến thành Lê Trích”. Kết quả kiểm tra chiều ngày 03/03/2017 của UBND huyện Nông Cống và UBND xã Tân Phúc đã có kết luận: “Các mốc giới mỏ được giao còn nguyên vẹn”; “Doanh nghiệp đang khai thác trong phạm vi mốc giới mỏ đã được giao, không có hiện tượng nổ mìn khai thác đá trái phép ngoài phạm vi mỏ, làm ảnh hưởng đến Đền thờ Lê Trích (Đền thờ Lê Trích cách rất xa khu vực mỏ); “trên địa bàn xã Tân Phúc không có nổ mìn khai thác đá làm ảnh hưởng đến Đền thờ Lê Trích như phản ánh của người dân”.
Tương tự theo đơn phản ánh, ngày 18/09/2019 ông Đỗ Văn Thư cùng hơn 20 hộ dân xung quanh mỏ đã gửi đơn kiến nghị cầu cứu gửi Tổng cục Môi Trường - Bộ Tài nguyên Môi trường, với nội dung Công ty Thanh Hưng “vi phạm nghiêm trọng việc sử dụng vật liệu nổ để khai thác đá”; “khi sử dụng thuốc nổ… không được nhỏ hơn 300 m”… Trước đó, ngày 12/04/2019 Công ty Thanh Hưng làm việc với Đoàn Thanh tra của Bộ Xây Dựng theo Quyết định số 90/QĐ-TTr, tại biên bản làm việc Đoàn thanh tra yêu cầu Công ty tiếp tục khai thác đúng theo thiết kế được duyệt, đảm bảo an toàn sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định. Ngày 06/09/2019 Công ty Thanh Hưng làm việc với Đoàn kiểm tra Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh, trong biên bản làm việc có nêu việc hộ dân phản ánh hoạt động khai thác đá của công ty có ảnh hưởng đến các hộ dân nhưng bà Phan Thị Hóa (Trưởng thôn) và ông Lê Văn Đắc (Phó Bí thư thôn) khẳng định “trong khoảng 1 năm trở lại đây, thôn chưa tiếp nhận được phản ánh của người dân về hoạt động khai thác đá của công ty ảnh hưởng đến người dân”; “từ năm 2018 đến nay không thấy phản ánh của người dân”…. Ngoài ra, trước khi đơn thư của các hộ dân gửi ngày 18/09/2019 đã có rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về làm việc với công ty, có Biên bản kết quả kiểm tra cụ thể và không có việc sai phạm trọng sử dụng vật liệu nổ công nghiệp như phản ánh, kết quả kiểm tra của chính quyền về việc viên đá mà ông Thư cho là làm thủng mái tôn thì lại lớn hơn lỗ thủng!.... doanh nghiệp cho rằng “tất cả các nội dung trên là sự vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, phản ánh thiếu trung thực, là biểu hiện tiêu cực, trục lợi, xúi giục… là hành vi phá hoại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… đã gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thực trạng cấp phép và hoạt động khu mỏ: Công ty Thanh Hưng được cấp giấy phép và bắt đầu khai thác từ năm 2001 đến nay theo quyết định số 3530/QĐ-UB ngày 18/12/2001 của UBND tỉnh Thanh Hóa và các điều kiện thủ tục khai thác khác theo quy định của pháp luật. Điều đáng nói, khi mỏ được cấp phép, chưa có người dân được cấp quyền sử dụng đất, các hoạt động khai thác của mỏ hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật.
Ngày 06/8/2012, khi UBND huyện Nông Cống có Quyết định số 1028/QĐ-UBND hợp pháp hóa quyền sử dụng đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 16 hộ dân (trong đó có 5 hộ gần mỏ đá của Công ty Thanh Hưng). Việc cấp giấy chứng nhận, UBND huyện Nông Cống áp dụng trường hợp “giao đất trái thẩm quyền trước ngày 01/7/2004, theo quy định tại điểm b khoản 2, Điều 6, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ và trong tình trạng “chưa cung cấp được Báo cáo thuyết minh quy hoạch kèm theo (UBND huyện và xã báo cáo bị thất lạc)”, “không có căn cứ để xem xét cụ thể đến từng thửa đất của các hộ dân theo quy định”, các thửa đất “xác nhận không tranh chấp”. Sau khi được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, bắt đầu năm 2015, tranh chấp, khiếu nại, yêu cầu bồi thường… giữa Công ty Thanh Hưng và 5 hộ dân bắt đầu xảy ra. Các hoạt động thương thảo, đền bù cũng đã được hai bên thỏa thuận và thực hiện. Từng giai đoạn, việc thỏa thuận không được thống nhất và gây khiếu kiện kéo dài.
Nguyên nhân gây bụi do vụ nổ mìn hy hữu ngày 02/12/2020, đã làm sạt lở một phần đất đá phong hóa, làm gia tăng khối lượng bụi lớn, bất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến hộ dân xung quanh, hư hỏng hệ thống băng tải đá của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công thương báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tại Văn bản 3909/SCT-KTAT&ATCN cho rằng việc nổ mìn ngày 02/12/2020 “không đúng nội dung đã cấp phép, nổ mìn văng xa,…; khai thác không đúng quy trình, khai thác tại sườn núi gây sạt lở”. Doanh nghiệp thì khẳng định đó là việc kết luận “không đúng sự thật”; vụ nổ mìn ngày 2/12/2020, mặc dù đã gây bụi, có sạt lở một phần vách núi, có bụi nhưng không phải nguyên nhân trực tiếp từ hộ chiếu, phương án nổ mìn và công ty đã chủ động khắc phục nhưng hoàn toàn không có đá “văng xa”. “Không có bất cứ biên bản kết luận kiểm tra nào khẳng định công ty chúng tôi nổ mìn “chưa đúng thiết kế khai thác được Sở xây dựng thẩm tra”, “nổ mìn không đúng nội dung cấp phép, nổ mìn văng xa””.
Qua hồ sơ tài liệu cho thấy, doanh nghiệp đã có đơn khiếu nại, phản ánh, kiến nghị trong đó có nội dung tố cáo người có thẩm quyền “đã lợi dụng chức vụ quyền hạn tham mưu, xử lý sai quy định của pháp luật, …, lợi ích nhóm dẫn đến việc dừng hoạt động khai thác đá của công ty, gây mất niềm tin, hậu quả rất nghiêm trọng cho Doanh nghiệp”; việc phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân có nội dung sai sự thật nhưng chưa được giải quyết, theo từng nội dung phản ánh, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 và các quy định khác của pháp luật. Do đó, mặc dù qua thời gian dài, nhiều năm nhưng ngày 21/7/2022 người dân vẫn tiếp tục khiếu nại với những nội dung đã khiếu nại nhiều lần, nhiều năm trước. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do việc xử lý đơn thư khiếu nại chưa đúng quy trình, quy định, chưa thấu tình đạt lý, đưa ra các giải pháp xử lý thiếu cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật như việc chưa làm rõ nguyên nhân sạt lở khối lượng đất đá gây bụi, phủ nhận Phương án nổ mìn đã phê duyệt, yêu cầu khai thác đá làm vật liệu xây dựng bằng máy cắt, không bằng phương pháp nổ mìn (điều không thể), khảo sát, đánh giá, thiết kế lại mỏ, nổ mìn thí nghiệm… đã dẫn đến khiếu nại kéo dài, dừng hoạt động khai thác trong khi mỏ đã hoạt động gần 20 năm, nhiều tỷ tiền đầu tư thiết bị không thể hoạt động, khấu hao vô hình tăng, không thể phát huy hiệu quả vay vốn, không thể trả lãi suất ngân hàng; người lao động của mỏ mất việc làm, có nhiều nguy cơ phá sản, gây hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp; mối quan hệ, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước chưa được hài hòa.
Bài học nào trong giải quyết phản ánh, khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa?
Một là: Từng cơ quan, theo từng nội dung khiếu nại, tố cáo có thẩm quyền giải quyết lần đầu phải chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm theo từng nội dung, sự việc trong đơn; kết luận về hậu quả, trách nhiệm đối với các nội dung tố cáo, khiếu nại đúng, sai.
Việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân; pháp luật đã quy định đầy đủ về trình tự thủ tục tiếp nhận giải quyết, từ công tác hòa giải, phân tích, vận động, hướng dẫn, làm rõ nội dung phản ánh, khiếu nại tố cáo đến quy trình xử lý, đã phân định rõ các cấp, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo lần đầu, các lần tiếp theo hoặc đưa vụ việc ra tòa án hành chính.
Tại sao sự việc đơn thư khiếu nại của ông Đỗ Văn Thư vẫn kéo dài chưa thể chấm dứt, gây hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp, trách nhiệm thuộc về ai?
Việc để xảy ra khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp trong trường hợp cụ thể tại Công ty Thanh Hưng, như hồ sơ tài liệu cung cấp, cho thấy: Các nội dung phản ánh, tố cáo liên quan cụ thể đến việc sử dụng vật liệu nổ, theo quy trình quy phạm đã quy định rất chặt chẽ, cụ thể, từ tiếng ồn, đến sóng nổ, đến đá văng, hướng nổ và các biện pháp hạn chế, các giải pháp nổ mìn phá dỡ công trình từ nổ tách đá, đến phá dỡ công trình gần bệnh viện, đường dây 500 KV, cáp quang, thậm chí nổ mìn phá dỡ nhà cao tầng trong khu dân cư, đến các đơn vị chuyên làm dịch vụ nổ mìn được pháp luật cho phép… Sở Công thương là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý sử dụng VLN, cơ quan xử lý khiếu nại lần đầu, đã không có quyết định giải quyết cụ thể về từng nội dung, kết quả xử lý nào theo đơn khiếu nại dẫn đến người dân gửi cùng nội dung nhiều lần, trong nhiều năm. Dẫn đến mỗi lần người dân phản ánh, khiếu nại, Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách Lê Đức Giang phải yêu cầu doanh nghiệp dừng nổ mìn, yêu cầu các đơn vị liên quan như Sở Tài nguyên, Sở Xây dựng, UBND huyện Nông Cống, Sở Công thương kiểm tra, làm rõ. Từ đó, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp lại mất nhiều tháng, nhiều năm giải trình. Các cơ quan quản lý lại đưa ra nhiều giải pháp, như thiết kế lại mỏ, khảo sát, đánh giá, phủ nhận phương án nổ mìn của chính mình đã phê duyệt… Chỉ riêng việc việc xác định khoảng cách nguy hiểm nổ mìn, nguyên tắc kỹ thuật đã chỉ rõ là khoảng cách được tính từ tâm điểm nổ, đến đối tượng tác động là nhà dân. Nhiều phương pháp đo hiện đại chính xác đến từng mi-li-mét nhưng việc người dân “không chấp nhận kết quả” (mặc dù nhiều biên bản kết quả xác định khoảng cách đã cụ thể), từ chối không tham gia chứng kiến các cơ quan đo đạc từ đó người dân vẫn lấy những nội dung “vi phạm khoảng cách nổ mìn” để khiếu nại dẫn đến kéo dài, nhiều văn bản chỉ đạo trong nhiều tháng, nhiều năm, mất nhiều nhân lực, ngân sách để xử lý vụ việc mà chưa thể chấm dứt. Là cơ quan quản lý chuyên ngành, tại Văn bản số 3909/SCT-KT&ATCN ngày 31/12/2021 của Giám đốc Sở Công thương báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về nội dung trả lời phản ánh của doanh nghiệp nêu rõ: “Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 6501/STNMT-BVMT ngày 24/10/2019, khoảng cách đến khu dân cư gần nhất tính từ chân núi đá là khoảng 123,2 m, khoảng cách xa nhất là khoảng 250 m tính vuông góc với mỏ”. Nhiều năm, người dân và doanh nghiệp tranh luận đến từng mét khoảng cách an toàn. Để đảm bảo an toàn, ngày 16/9/2020 sau khi Phương án nổ mìn được Sở Công thương thẩm định, doanh nghiệp đã phải dời điểm nổ mìn vào sâu trong phạm vi mỏ, thay đổi hướng nổ, giảm chi phí thuốc nổ, tăng chi phí khoan, mở vỉa ở vị trí an toàn hơn… đã tăng chi phí giá thành. Việc nêu khoảng cách vị trí từ “chân núi”, khoảng cách xa nhất chỉ 250 m là những nội dung báo cáo thiếu cơ sở khoa học, không rõ ràng hoặc thiếu trung thực gây hiểu nhầm cho lãnh đạo tỉnh, cho người dân dẫn đến đơn ngày 21/7/2022, người dân vẫn khẳng định “Vị trí nổ mìn… đến các hộ dân gần nhất thì cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường và thanh tra sở cùng các ban ngành đo thực tế là chỉ có 100 m!” và “khoảng cách an toàn đối với con người thì không được nhỏ hơn 300 m” nên nhận định không được phép nổ mìn, “tố cáo” “Sở Công thương lại cho Công ty tiếp tục được sử dụng vật liệu nổ”. Sở Công thương lại xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh và hiện đang chờ kết quả! Liệu có tiếp tục lại vòng luẩn quẩn, dừng cấp phép, thí nghiệm, lại khảo sát, đánh giá… chỉ vì nội dung đơn khiếu nại thiếu cơ sở hay không, mặc dù đã gần 8 tháng qua, đã nhiều cơ quan ban ngành, góp ý thống nhất đưa ra hướng giải quyết, Sở Công thương ngày 7/7/2022 đã phê duyệt phương án nổ mìn mới… Liệu Phó Chủ tịch tỉnh Lê Đức Giang, người đã hơn 01 năm qua, kể từ khi nhận chức vụ mới có chỉ đạo, giao Sở Tài nguyên và Môi trường để làm rõ, giải quyết từng nội dung đơn, nhằm chấm dứt vụ việc, kịp thời ngăn chặn nguy cơ phá sản của doanh nghiệp hay không….? Doanh nghiệp có được nổ mìn thí nghiệm theo phương án, chỉ đạo đã phê duyệt hay không? Hay tiếp tục dừng, yêu cầu doanh nghiệp làm lại từ đầu… ?
Theo phân công nhiệm vụ tại Quyết định số 2969/QĐ-UBND ngày 5/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Lê Đức Giang, Tiến sỹ Thủy sinh học được phân công theo dõi lĩnh vực khoáng sản, phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường; Phó Chủ tịch Mai Xuân Liêm, theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực vật liệu nổ, phụ trách Sở Công thương. Qua hồ sơ tài liệu cho thấy, nguyên nhân, nguồn gốc khiếu nại kéo dài là do việc khiếu nại các nội dung liên quan trực tiếp đến quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không liên quan trực tiếp đến khai thác mỏ.
|
|
Ví trí nổ mìn, di dời lên khe núi trên cao |
Hai là: Giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo không để tạo sơ hở cho tiêu cực, tham nhũng.
Tại sao, các đơn thư khiếu nại phản ánh, các trình tự, thủ tục việc giải quyết đã được pháp luật quy định chi tiết; chế tài xử lý việc khiếu nại, tố cáo sai cũng đã quy định, giải pháp khắc phục như khoảng cách nổ mìn đã được giải quyết, thay đổi bằng phê duyệt lại phương án nổ mìn phù hợp nhưng nhiều năm người dân vẫn khiếu nại nội dung giống nhau?; các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) đã quy định cụ thể tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể nhưng không thể làm rõ đúng sai, nguyên nhân, của một sự việc sạt lở khối lượng đất đá sạt lở dẫn đến bụi, làm ảnh hưởng đến người dân, gây khiếu nại kéo dài, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, nguy cơ phá sản? Phó Chủ tịch Lê Đức Giang giao Sở Tài nguyên môi trường chủ trì, lấy ý kiến của các Sở, ban ngành liên quan; Sở Công thương là đơn vị chuyên ngành quản lý, gửi các cơ quan có liên quan lấy ý kiến (trong đó có UBND huyện Nông Cống) để có cơ sở báo cáo… UBND huyện Nông Nống do không có thẩm quyền và chuyên môn, sau khi nhận được văn bản lại có văn bản hỏi ngược lại Sở Công thương để có cơ sở trả lời Sở Công thương!
Pháp luật đã có quy định cụ thể về tất cả các trường hợp nổ mìn, đã chuẩn hóa thành quy trình, quy phạm, nhưng Phó Chủ tịch lại chỉ đạo “nổ mìn thí nghiệm”, phủ nhận các kết quả của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng quy trình, quy phạm? Doanh nghiệp, hay Sở Công thương có chức năng thí nghiệm hay không? Liệu tất cả những gì có cơ sở khoa học, pháp lý đã chuẩn hóa mà không giải quyết được cũng phải đưa ra “thí nghiệm”? Việc liên quan đến một vụ nổ, sạt lở đá phong hóa gây ra bụi (không phải do tác động trực tiếp từ năng lượng nổ vì không có đá văng!) từ đó cơ quan quản lý dừng nổ mìn, không làm rõ nguyên nhân mà yêu cầu đưa ra giải pháp khảo sát, đánh giá toàn bộ hiện trạng khu mỏ, thiết kế lại mỏ như ban đầu? (bổ sung 11 bước!). Thực tế kết quả việc nổ mìn gây sự cố ngày 02/12/2020, đã được Giám đốc Sở Công thương báo cáo tại Văn bản 3039/SCT-KT&ATCN ngày 31/12/2021: “Với khối lượng thuốc nổ tức thời tối đa cho một lần nổ là 14kg. Kết quả đo cho thấy việc nổ mìn với khối lượng như trên tại vị trí mỏ không gây ảnh hưởng đến các hộ dân”. Vậy tại sao phải lập lại phương án của chính Sở Công thương đã phê duyệt, phải nổ mìn thí nghiệm lại?
Vậy nguyên nhân, lý do nào để doanh nghiệp phải dừng khai thác, thực hiện đến 11 bước thủ tục để thí nghiệm?; chủ mỏ không được thuê đơn vị chuyên ngành làm dịch vụ nổ mìn mặc dù pháp luật cho phép? người dân tiếp tục khiếu nại những nội dung đã giải quyết, đẩy doanh nghiệp vào vòng luẩn quẩn, nguy cơ phá sản, gần 2 năm trời mỏ không thể hoạt động?
Qua việc giải quyết đơn thư sự việc nổ mìn của Công ty Thanh Hưng như vậy có tạo sơ hở để tiêu cực, tham nhũng hay không? Có tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các mỏ sản xuất vật liệu xây dựng? Có làm tăng thêm khó khăn trong việc giải quyết đền bù, hòa giải của người dân và doanh nghiệp hay không?
|
|
Máy móc, thiết bị chờ mỏ hoạt động trở lại |
Ba là: việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo kéo dài phải “phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước ”theo đúng tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị.
Chị thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo nêu rõ: “Quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”; “Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước; lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác”. Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015 quy định tại khoản 3, khoản 10, Điều 22 nêu rõ nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh: “Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện… đấu tranh, phòng, chống tội phạm; … phòng, chống quan liêu, tham nhũng; … bảo vệ tài sản… các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; thực hiện các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật”; “Tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật”. Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011, tại Điều 6, quy định về những nội dung cấm như: “Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật”; “Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định”; “Bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại”; “Cố tình khiếu nại sai sự thật”. Điều 21, quy định về thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh: “Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình”; “Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết”...
Thông tư số 05/2021/TT-TTCP, ngày 01/10/2021 (trước đây là Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014) của Thanh tra Chính phủ Ban hành quy định về quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh đã quy định cụ thể về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu với 9 Điều (từ điều 27 đến Điều 35).
Nghị định 20/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 của Chính phủ quy định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
Tại điểm d, khoản 2, Điều 41, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, quy định cụ thể cho trường hợp nổ mìn khác với nổ mìn thông thường phải: “Thiết kế hoặc phương án nổ mìn phải được cơ quan cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phê duyệt và được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý khi nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình an ninh, quốc phòng hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định của pháp luật. Thực hiện việc giám sát các ảnh hưởng nổ mìn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nổ mìn”.
Với các quy định đầy đủ và chi tiết của pháp luật từ khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; việc sử dụng vật liệu nổ phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản, dân sinh trong khu vực dân cư; việc quản lý sử dụng đất đai; quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền tuy nhiên sự việc cụ thể khiếu nại tại Công ty Thanh Hưng đã kéo dài nhiều năm vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, Nhà nước tốn nhiều tiền của ngân sách, lực lượng công chức tham gia giải quyết, doanh nghiệp không thể tạo ra giá trị thặng dư, người lao động mất việc làm, lãng phí nguồn lực xã hội, mất niềm tin.
Vậy làm sao để giải quyết hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Mỏ đá đã và đang khai thác theo giấy phép hàng chục năm; pháp luật chưa quy định rõ việc, cấm hay không việc cấp quyền sử dụng đất trong khu vực khai thác khoáng sản, UBND huyện cấp quyền sử dụng đất cho người dân trong khu vực bán kính nguy hiểm nổ mìn và dẫn đến người dân khiếu kiện cơ quan nhà nước đã cấp phép VLN cho doanh nghiệp, “cấm” không cho sử dụng VLN, yêu cầu phá đá không sử dụng thuốc nổ! Doanh nghiệp phải chấp nhận tăng chi phí, di chuyển điểm khai thác vào sâu khai trường, thực hiện nổ mìn với các phương án giảm chi tiêu thuốc nổ, tăng chi phí khoan, tăng giải pháp an toàn theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không được cấp phép sử dụng VLNCN; doanh nghiệp đã chấp nhận bồi thường, mua lại quyền sử dụng đất của những hộ dân (5 hộ) đã được cấp “trong khu vực mỏ” để đảm bảo mỏ có thể hoạt động có hiệu quả nhưng người dân không thể thỏa thuận giá. Doanh nghiệp phá sản, tiền vay ngân hàng, an sinh cho người lao động, các khoản thuế phải nộp Nhà nước… ai chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước? Người dân có quyền khiếu nại, phản ánh, chịu trách nhiệm về nội dung, phản ánh không đúng quy định pháp luật…; cơ quan quản lý có quyền khẳng định cấp phép sử dụng VLN theo quy định của pháp luật; Doanh nghiệp là đơn vị nộp thuế, tạo việc làm cho người dân; Nhà nước có chính sách “bảo đảm nhà nước đối với doanh nghiệp theo quy định tại Điều 5 của Luật Doanh nghiệp năm 2020... Tất cả các quy định đã có, tại sao để khiếu nại kéo dài, từng bước “trói buộc” doanh nghiệp, trách nhiệm thuộc về ai? Đánh giá năng lực lãnh đạo trong chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo thế nào…? Có tạo sơ sở cho tiêu cực, tham nhũng hay không? Có tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 hay không?… đây là những bài học kinh nghiệm cần thiết để các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương xem xét, nghiên cứu tránh để khiếu kiện kéo dài, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đối với sự việc, các nội dung mà doanh nghiệp đã phản ánh trong đơn ngày 13/10/2021 của Công ty Thanh Hưng, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cần xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm đối với từng hành vi, nội dung, sự việc cụ thể từ người dân đến doanh nghiệp, cơ quan tham mưu, quản lý để có thể kết thúc khiếu kiện, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, minh bạch, tránh tạo ra sơ hở tiêu cực, tham nhũng; khẳng định vai trò, trách nhiệm của đảng viên, tổ chức Đảng, lãnh đạo các Sở ban ngành, UBND tỉnh trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tạp chí Thanh tra Chính phủ tiếp tục yêu cầu Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo kết quả nhằm phản ánh đến bạn đọc theo quy định của Luật Báo chí năm 2016 về bài học kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo./.
Tin bài tiếp theo:
- Đề xuất giải pháp để giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại tại Công ty Thanh Hưng;
- Đánh giá những sơ hở tiêu cực, tham nhũng tạo ra trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Công ty Thanh Hưng;
- Thực trạng, hậu quả, nguy cơ phá sản của doanh nghiệp từ đơn thư phản ánh không đúng sự thật và việc giải quyết đơn thư khiếu nại kéo dài; trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan quản lý có liên quan.