Một thành viên “họ” Masan kinh doanh thua lỗ, công ty con sở hữu mỏ Núi Pháo được ngân hàng “bơm” 7.000 tỷ

Thứ ba, 11/06/2024 14:31
(ThanhtraVietNam) – Một ngân hàng sẽ cấp tổng giá trị giao dịch tối đa 7.000 tỷ đồng để Núi Pháo thực hiện các nghiệp vụ về giao dịch hoán đổi ngoại tệ, giao dịch hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền hoặc hoán đổi tiền tệ chéo, giao dịch hoán đổi lãi suất một đồng tiền và giao dịch hoán đổi lãi suất một đồng tiền cộng dồn.

Lãi ròng “bốc hơi” quá nửa, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang âm dòng tiền, mất cân đối tài chính

Ngân hàng cấp tín dụng 7.000 tỷ

Một ngân hàng mới đây đã công bố nghị quyết thông qua việc phê duyệt cấp hạn mức giao dịch với Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Theo đó, ngân hàng này sẽ cấp tổng giá trị giao dịch tối đa 7.000 tỷ đồng để Núi Pháo thực hiện các nghiệp vụ về giao dịch hoán đổi ngoại tệ, giao dịch hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền hoặc hoán đổi tiền tệ chéo, giao dịch hoán đổi lãi suất một đồng tiền và giao dịch hoán đổi lãi suất một đồng tiền cộng dồn.

Thương vụ được ký kết trong bối cảnh Núi Pháo vừa nối lại hoạt động nổ mìn để giúp công ty tiếp tục khai thác quặng hàm lượng cao, cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào phong phú cho nhà máy chế biến công nghệ cao, qua đó gia tăng sản lượng và tối ưu chi phí sản xuất sau thời gian dài đình trệ từ giai đoạn giữa năm 2023.

Đồng thời, công ty đang tiến hành xin cấp giấy phép mở rộng khai thác 28 triệu tấn trữ lượng tại mỏ Núi Pháo. Trong thời gian tới, các hoạt động khai thác và chế biến quặng dự kiến sẽ sôi động hơn nữa tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty mẹ Masan High-Tech Materials (mã MSR) trong việc đảm bảo cung cấp ổn định vật liệu công nghệ cao cho khách hàng trên toàn thế giới.

Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, Núi Pháo đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược đối tác cung cấp dịch vụ nổ mìn với Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET). Việc Núi Pháo hợp tác với một doanh nghiệp quân đội có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nổ mìn, sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Núi Pháo dự kiến sẽ tối ưu được đáng kể chi phí nổ mìn trong năm năm tới.

Kinh doanh ảm đạm

Theo tìm hiểu, Công ty Núi Pháo là công ty con do Masan High-Tech Materials (MHT) sở hữu 100% hiện đang vận hành khai thác Mỏ Núi Pháo - mỏ đa kim nằm tại ba xã (Hùng Sơn, Hà Thượng và Tân Linh) của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Tổng Giám đốc MSR cho biết kết quả khoan kiểm tra hàm lượng mỏ Núi Pháo ghi nhận trữ lượng quặng tại đây có thể khai thác thêm 12 năm, thay vì 8 năm như dự tính năm 2019.

Tuy nhiên, từ giữa năm ngoái, hoạt động nổ mìn tại mỏ Núi Pháo bị gián đoạn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng quặng được khai thác và chế biến. Điều này khiến chi phí hoạt động của công ty Núi Pháo tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty mẹ năm 2023.

Năm 2023, Masan High-Tech Materials ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 14.093 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ Vonfram đạt 11.422 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2022 do doanh số bán hàng thấp và nhu cầu thị trường giảm. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ kỷ lục 1.530 tỷ trong khi cùng kỳ 2022 lãi hơn 105 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024, Masan High-Tech Materials xây dựng kế hoạch kinh doanh theo 2 kịch bản. Trong điều kiện khó khăn, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 15.000 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ sau thuế 1.500 tỷ đồng. Nếu điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt 15.800 tỷ đồng doanh thu và không lỗ.

leftcenterrightdel
 

Quý đầu năm, Masan High-Tech Materials ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.089 tỷ đồng, giảm 18,4% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 702 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 13,6 tỷ đồng. Trong đó, lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ 718 tỷ đồng, giảm mạnh so với quý 1/2023.

Cổ đông ngoại thoái vốn

Trong bối cảnh kinh doanh không mấy khả quan, cổ đông ngoại Mitsubishi Materials Corporation (Nhật Bản) mới đây đã bán ra toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu MSR, tương đương tỷ lệ sở hữu 10% cổ phần của Masan High-Tech Materials. Mục đích bán ra là để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch được thực hiện trong ngày 30/5.

Mitsubishi Materials Corp trở thành cổ đông lớn của Masan High-Tech Materials từ tháng 12/2020. Theo đó, Mitsubishi Materials Corporation đã mua gần 110 triệu cổ phần phổ thông phát hành mới theo phương thức chào bán riêng lẻ. Tổng giá trị tiền mặt là 90 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng), trung bình mỗi cổ phiếu có giá 19.050 đồng.

Như vậy, sau hơn 3 năm làm cổ đông lớn, tập đoàn đến từ Nhật Bản đã chính thức thoái sạch vốn khỏi Masan High-Tech Materials. Trước khi bán ra cổ phiếu, Mitsubishi Materials Corporation đã công bố đạt Thỏa thuận khung về việc sẽ mua 100% H.C. Starck Holding (HCS) từ Masan High-Tech Materials.

HCS là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Masan High Tech Materials, là nhà sản xuất bột vonfram chất lượng cao. Masan High-Tech Materials đầu tư vào HCS năm 2020 với mục tiêu đưa công nghệ tinh chế và tái chế vonfram về Việt Nam để chuyển dịch sang mô hình kinh doanh tuần hoàn bền vững. Cùng năm, với Masan High-Tech Materials và Mitsubishi Materials Corporation đã ký kết hợp tác thiết lập liên minh chuỗi giá trị vonfram toàn cầu.

Tuy nhiên, do điều kiện pháp lý tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho phép nhập khẩu phế liệu vonfram để Masan High-Tech Materials hiện thực hóa chiến lược tái chế tại Việt Nam, công ty dự kiến chuyển nhượng cổ phần HCS cho Mitsubishi Materials Corporation để tập trung vào vận hành các mảng kinh doanh trong nước. Thỏa thuận khung này đánh dấu bước tiến tiếp theo trong hợp tác kinh doanh giữa hai bên.

Minh Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra