Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề xuất, Thanh tra viên được cấp có thẩm quyền xem xét, đề nghị cấp Thẻ Thanh tra sau khi có quyết định bổ nhiệm vào ngạch thanh tra. Không được xem xét, đề nghị cấp Thẻ Thanh tra khi đã có thông báo nghỉ hưu, từ trần, mất tích, trong thời gian tạm giam, thi hành kỷ luật hoặc có thông báo về việc xem xét kỷ luật liên quan đến tham nhũng, đạo đức công vụ của cơ quan có thẩm quyền.
Có 3 hình thức cấp Thẻ Thanh tra, gồm: Cấp mới Thẻ Thanh tra; đổi Thẻ Thanh tra; cấp lại Thẻ Thanh tra.
Dự thảo Thông tư đề xuất đổi Thẻ Thanh tra trong các trường hợp sau: Thanh tra viên được bổ nhiệm lên ngạch thanh tra cao hơn; Thẻ Thanh tra đã hết thời hạn sử dụng; Thẻ Thanh tra đang sử dụng bị hư hỏng; do thay đổi mã số thẻ, họ, tên, cơ quan công tác hoặc lý do khác dẫn đến phải thay đổi thông tin của người được cấp Thẻ Thanh tra…
Sau khi nghiên cứu, tác giả xin tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, đề nghị bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 3 như sau: “Chiếm đoạt, tẩy xóa, sửa chữa, hủy hoại và cố ý làm hư hỏng Thẻ Thanh tra; không giao nộp Thẻ Thanh tra theo yêu cầu của người có thẩm quyền”. Mục đích là nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm có liên quan đến việc sử dụng Thẻ Thanh tra.
|
|
Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định về mẫu và việc cấp, quản lý, sử dụng Thẻ Thanh tra. (Ảnh internet) |
Thứ hai, đề nghị bổ sung cụm từ “tiêu cực” tại khoản 1 Điều 7 cho phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Đồng thời, bổ sung cụm từ “vi phạm” trước cụm từ “đạo đức công vụ” cho đầy đủ, chính xác và biên tập như sau: “1. Thanh tra viên được cấp có thẩm quyền xem xét, đề nghị cấp Thẻ Thanh tra sau khi có quyết định bổ nhiệm vào ngạch thanh tra. Không được xem xét, đề nghị cấp Thẻ Thanh tra khi đã có thông báo nghỉ hưu, từ trần, mất tích, trong thời gian tạm giam, thi hành kỷ luật hoặc có thông báo về việc xem xét kỷ luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực và vi phạm đạo đức công vụ của cơ quan có thẩm quyền”.
Thứ ba, điểm d khoản 2 Điều 8 quy định: “d) Do thay đổi mã số thẻ, họ, tên, cơ quan công tác hoặc lý do khác dẫn đến phải thay đổi thông tin của người được cấp Thẻ thanh tra.”. Đề nghị bổ sung cụm từ “chữ đệm”, vì theo Luật Hộ tịch, một cá nhân không chỉ được quyền thay đổi họ, tên mà còn có quyền thay đổi chữ đệm trong Giấy khai sinh của mình và việc thay đổi chữ đệm sẽ làm thay đổi thông tin của người được cấp Thẻ thanh tra. Do đó, đề nghị biên tập lại nội dung này như sau: “d) Do thay đổi mã số thẻ, họ, chữ đệm, tên, cơ quan công tác hoặc lý do khác dẫn đến phải thay đổi thông tin của người được cấp Thẻ thanh tra”.
Thứ tư, đề nghị bổ sung cụm từ “thành phố trực thuộc Trung ương tại điểm a, khoản 3 Điều 8 cho đầy đủ như sau: “a) Theo phân cấp quản lý, Chánh Thanh tra sở, Chánh Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý có văn bản đề nghị cấp mới, đổi Thẻ Thanh tra gửi Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Chánh Thanh tra tỉnh) Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác theo quy định của pháp luật về thanh tra (gọi chung là Chánh Thanh tra bộ)”.
Thứ năm, khoản 1 Điều 9 quy định: “1. Thanh tra viên được xem xét, cấp lại Thẻ Thanh tra đã bị mất do những nguyên nhân khách quan; không được cấp lại Thẻ Thanh tra trong trường hợp bị mất do vi phạm nội dung cấm được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 của Thông tư này hoặc để mất quá 01 lần trong một kỳ hạn sử dụng Thẻ Thanh tra”. Đề nghị xem xét bỏ cụm từ “hoặc để mất quá 01 lần trong một kỳ hạn sử dụng Thẻ Thanh tra”, vì việc mất Thẻ Thanh tra là nguyên nhân khách quan, không mong muốn. Việc mất Thẻ Thanh tra có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nhiều lý do bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn hoặc bất cẩn đánh rơi… Mặc dù, trong kỳ hạn sử dụng Thẻ Thanh tra đã mất 01 lần nhưng người có thẩm quyền vẫn xem xét, cấp lại Thẻ Thanh tra khi có kết quả kiểm tra, xác minh và kết luận rằng việc mất Thẻ Thanh tra là khách quan, không có lỗi của người được cấp Thẻ Thanh tra.
Thứ sáu, điểm c khoản 1 Điều 9 quy định: “c) Theo thẩm quyền quản lý, Chánh Thanh tra cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ, ngành xem xét, tổng hợp danh sách, gửi văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng các cơ quan khác theo quy định của pháp luật về thanh tra cấp mới, cấp lại, đổi Thẻ Thanh tra”. Đồng thời, điểm a khoản 2 Điều 12 quy định: “2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý Thẻ Thanh tra của Thanh tra viên thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của mình. Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra bộ có trách nhiệm sau đây: a) Xem xét, tổng hợp danh sách, gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng các cơ quan khác theo quy định của pháp luật về thanh tra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp mới, cấp lại, đổi Thẻ Thanh tra đối với Thanh tra viên trong phạm vi tỉnh hoặc bộ, ngành”. Đề nghị rà soát lại nội dung này để tránh sự trùng lắp./.