Nghị định số 11/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm

Thứ tư, 22/02/2012 10:57
Ngày 22/02/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2012).

Nghị định số 11/2012/NĐ-CP đã cụ thể hoá quan điểm tăng cường hơn nữa quyền tự chủ, quyền tự do cam kết, thoả thuận của các bên về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, kinh doanh, thương mại (bao gồm cả lĩnh vực bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng), kết hợp với việc đề cao nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của các bên về cam kết, thỏa thuận của mình như: Các bên được thỏa thuận về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự; về tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự; về thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm...

Công khai, minh bạch là tinh thần cơ bản được thể hiện trong các quy định về giao dịch bảo đảm hiện nay. Tiếp tục cụ thể hóa nguyên tắc đó, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP đã giải quyết mối quan hệ giữa các chủ thể có lợi ích liên quan trực tiếp đến tài sản bảo đảm, cụ thể là:

- Các chủ nợ không có bảo đảm;

- Các chủ nợ cùng nhận bảo đảm bằng tài sản;

- Các chủ nợ cùng nhận bảo đảm nhưng không phải bằng tài sản;

- Người có quyền cầm giữ tài sản bảo đảm;

- Người đã đầu tư làm tăng giá trị của tài sản bảo đảm;

- Người sử dụng đất trong trường hợp thế chấp tài sản trên đất thuê.

Nghị định số 11/2012/NĐ-CP quy định cụ thể về các phương thức xử lý tài sản bảo đảm; bổ sung quy định trong trường hợp quyền đòi nợ được chuyển giao theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Dân sự thì các bên không phải ký kết lại giao dịch bảo đảm (khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật thì bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ xuất trình hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ để chứng minh sự thay đổi); bổ sung quy định về việc giao dịch bảo đảm được ký kết trước khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi pháp nhân mà vẫn còn hiệu lực thì các bên không phải ký kết lại giao dịch bảo đảm đó khi tổ chức lại pháp nhân. Đối với giao dịch bảo đảm đã đăng ký thì pháp nhân mới xuất trình văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức lại pháp nhân để thực hiện đăng ký thay đổi theo quy định của pháp luật.

Do Nghị định số 163/2006/NĐ-CP chưa quy định về cơ chế kiểm soát việc chuyển dịch tài sản bảo đảm một cách chặt chẽ nên trong thời gian qua phát sinh nhiều trường hợp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa bị bán, tặng cho mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Do vậy, khắc phục tình trạng nêu trên, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP bổ sung quy định Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản gửi Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm đến cơ quan quản lý đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và giao thông thủy nội địa nhằm “kiểm soát” việc chuyển dịch tài sản thế chấp mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp./.

Xem file đính kèm
ND11CP2012.doc

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra