Nghị định này gồm 8 chương, 48 điều quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; quản lý an toàn, giải quyết sự cố trong thi công xây dựng, khai thác và sử dụng công trình xây dựng; bảo hành công trình xây dựng.
1. Về quản lý chất lượng khảo sát xây dựng
Theo quy định của Nghị định thì trình tự thực hiện và quản lý chất lượng khảo sát xây dựng bao gồm 7 bước là: Lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng; Lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng; Lập và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng; Thực hiện khảo sát xây dựng; Giám sát công tác khảo sát xây dựng; Nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng và Lưu trữ kết quả khảo sát xây dựng.
Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư; nhà thầu khảo sát xây dựng; nhà thầu thiết kế; tổ chức, cá nhân giám sát khảo sát xây dựng.
2. Về quản lý chất lượng thiết kế xây dựng công trình
Trình tự thực hiện và quản lý chất lượng thiết kế xây dựng công trình bao gồm 6 bước là: Lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình; Lựa chọn nhà thầu thiết kế xây dựng công trình; Lập thiết kế xây dựng công trình; Thẩm định thiết kế của chủ đầu tư, thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc của tổ chức tư vấn (nếu có); Phê duyệt thiết kế xây dựng công trình; Nghiệm thu thiết kế xây dựng công trình.
Đặc biệt, Điều 20 của Nghị định đã quy định cụ thể việc tổ chức thẩm định và phê duyệt các bước thiết kế xây dựng công trình sau thiết kế cơ sở. Theo đó, chủ đầu tư tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật đối với công trình thực hiện thiết kế 3 bước hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với công trình thực hiện thiết kế 1 bước, 2 bước và các thiết kế khác triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm các việc theo trình tự sau: (i) Xem xét sự phù hợp về thành phần, quy cách của hồ sơ thiết kế so với quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật; (ii) Đánh giá sự phù hợp của hồ sơ thiết kế so với nhiệm vụ thiết kế, thiết kế cơ sở, các yêu cầu của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan; (iii) Gửi hồ sơ thiết kế tới cơ quan thẩm tra; (iv) Yêu cầu nhà thiết kế giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa hồ sơ thiết kế trên cơ sở ý kiến thẩm tra. Trong quá trình thẩm định thiết kế, khi cần thiết, chủ đầu tư thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra thiết kế đối với các phần việc mà mình thực hiện.
3. Về quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình
Theo quy định của Nghị định này thì có 8 bước trong trình tự thực hiện và quản lý chất lượng thi công xây dựng.
Nghị định đã quy định một điều riêng về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình. Theo đó, trước khi khởi công xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng phải lập, phê duyệt thiết kế biện pháp thi công theo quy định, trong đó phải thể hiện được các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, thiết bị thi công, công trình chính, công trình tạm, công trình phụ trợ, công trình lân cận, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường. Biện pháp thi công phải được nhà thầu thi công xây dựng rà soát định kỳ và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của công trường. Các biện pháp bảo đảm an toàn, nội quy về an toàn lao động phải công khai trên công trường. Những người điều khiển máy, thiết bị thi công và những người thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được huấn luyện về an toàn lao động và có thể an toàn lao động…
4. Về bảo hành công trình xây dựng
Nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị. Thời hạn bảo hành kể từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng hoặc căn cứ theo quy định của Hợp đồng xây dựng, Hợp đồng cung ứng thiết bị nhưng không được ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I; không ít hơn 12 tháng đối với các công trình cấp còn lại.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2013 và thay thế Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209, thay thế khoản 4 Điều 13, Điều 18 và Điều 30 của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Riêng đối với quy định về sử dụng thông tin về năng lực để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng tại khoản 3 Điều 8 của Nghị định này sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2013.
Các công trình đã thực hiện chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực theo quy định tại Nghị định số 209, Nghị định số 49 thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành công trình.