Nguyên tắc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước như sau: Việc quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải được thực hiện thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ, sự phân giao trách nhiệm quản lý rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; bảo đảm duy trì và phát triển quỹ nhà ở này; Việc sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải được quản lý, sử dụng bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan; Việc cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải bảo đảm đúng đối tượng, đúng điều kiện và theo đúng quy định của Nghị định này; Mọi hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ của Chính phủ, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương (không bao gồm nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đầu tư xây dựng) và nhà ở sinh viên do các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý;
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đầu tư xây dựng, nhà ở sinh viên do các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý. Riêng đối với nhà ở cũ do Bộ Quốc phòng đang quản lý thì Bộ Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở này;
Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương khác là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ đang được giao quản lý, nhà ở sinh viên do các cơ sở giáo dục trực thuộc các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đó đang quản lý.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đại diện chủ sở hữu đối với các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được giao quản lý trên địa bàn.
Tiền thu được từ việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của Nghị định này sau khi khấu trừ chi phí quản lý và các chi phí hợp lệ khác (bao gồm cả chi phí để tổ chức thực hiện bán, cho thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật) được nộp vào Quỹ phát triển nhà ở hoặc để vào một mục riêng của ngân sách của UBND cấp tỉnh (đối với địa phương chưa thành lập Quỹ phát triển nhà ở) để thực hiện việc duy trì và phát triển quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định sau: bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; tái đầu tư xây dựng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2013.