Nghị định số 86/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường

Thứ sáu, 19/10/2012 09:39
Ngày 19/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường. Nghị định có 5 chương, 20 điều; 6 phụ lục qui định cụ thể về đơn vị đo; sử dụng đơn vị đo; cách xác định thu lợi bất chính do vi phạm pháp luật về đo lường; kiểm tra nhà nước về đo lường; kinh phí lấy mẫu kiểm tra nhà nước về đo lường. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường tại Việt Nam.

Nghị định qui định rõ thời gian vi phạm pháp luật về đo lường là khoảng thời gian từ thời điểm bắt đầu có hành vi vi phạm đến thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm đó của tổ chức, cá nhân.

Cũng theo Nghị định này, thời điểm bắt đầu vi phạm pháp luật về đo lường để thu lợi bất chính từ sản xuất, nhập khẩu, bán hàng đóng gói sẵn mà lượng của hàng đóng gói sẵn đó có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định, là thời điểm gần nhất với thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm và được xác định theo thời điểm bắt đầu bán hàng đóng gói sẵn được thể hiện trên hợp đồng, hóa đơn tài chính, tờ khai hải quan có xác nhận thông quan hoặc thời điểm thanh tra, kiểm tra Nhà nước về đo lường gần nhất trước đó của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với lượng của hàng đóng gói sẵn.

Nghị định còn quy định về đơn vị đo pháp định; sử dụng đơn vị đo; cách xác định thu lợi bất chính do vi phạm pháp luật đo lường; trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường; xác định thời gian vi phạm pháp luật về đo lường; xác định lượng hàng hóa, dịch vụ sai lệch về đo lường; giá của hàng hóa, dịch vụ để tính số tiền thu lợi bất chính; kiểm tra đặc thù; về phối hợp kiểm tra nhà nước về đo lường; kinh phí lấy mẫu kiểm tra nhà nước về đo lường. Trong trường hợp giải quyết tranh chấp có liên quan đến đơn vị đo khác với đơn vị đo pháp định thì phải quy đổi sang đơn vị đo pháp định. Về kinh phí lấy mẫu kiểm tra nhà nước về đo lường được thực hiện theo khung mức quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bộ KH&CN có trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường trong phạm vi địa phương, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở KH&CN giúp UBND cấp tỉnh chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện kiểm tra nhà nước trong phạm vi địa phương, UBND cấp huyện, thành phố (trực thuộc tỉnh) chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và cơ quan tổ chức liên quan thực hiện kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại, điểm bán buôn, bán lẻ khác trên địa bàn đối với phép đo, phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn.

Kinh phí lấy mẫu kiểm tra Nhà nước về đo lường do cơ quan thực hiện kiểm tra chi trả và được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan thực hiện kiểm tra. Trường hợp kết luận tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đo lường thì tổ chức, cá nhân vi phạm đó phải hoàn trả kinh phí lấy mẫu kiểm tra cho cơ quan thực hiện kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2012.

Xem file đính kèm
ND86CP2012.doc

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra